1. KHÁI NIỆM

Viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm thường gặp. Trước đây phân làm 2 loại viêm gan do virus viêm gan A và B. Ngày nay đã tìm ra 5 loại viêm gan là A, B, C, D, E. Viêm gan do virus B, C, D thường gây nên viêm gan mạn tính và xơ gan.

Đường lây truyền: lây truyền từ người mẹ mắc bệnh viêm gan truyền sang con trong quá trình có thai chủ yếu qua bánh rau, trong chuyển dạ, và khi cho con bú.

2. CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán xác định

  • Triệu chứng lâm sàng

+ Thời kỳ ủ bệnh: trung bình 2-4 tuần. Nhiễm virus xảy ra bất kỳ giai đoạn nào của thai nghén.Trong thời gian ủ bệnh thường không có triệu chứng đặc hiệu. Nếu có chỉ là mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn hay nôn, dễ nhầm với triệu chứng nghén.

+ Thời kỳ phát bệnh: khi có triệu chứng thì bệnh đã nặng, dấu hiệu lâm sàng rõ rệt. Mệt mỏi chán ăn, sụt cân, đau vùng gan, hay vùng thượng vị, buồn nôn, nôn và sốt. Nước tiểu ít dần, màu vàng sẫm, vàng da, vàng mắt, ngứa toàn thân hay gặp (75%). Gan to, ấn đau vùng gan.

  • Triệu chứng cận lâm sàng:

+ Xét nghiệm không đặc hiệu: men gan tăng cao, tăng globulin máu.

+ Xét nghiệm đặc hiệu: HBsAg, HBeAg, PCR(định lượng vi rút trong máu).

Chẩn đoán phân biệt:

  • Ứ mật do thai nghén hay tái phát.
  • Viêm gan kèm theo nhiễm khuẩn tiết niệu
  • Tiền sản giật nặng

Hậu quả và tiên lượng:

nguy hiểm cho cả mẹ và thai

  • Biến chứng

+ Viêm gan cấp, hoại tử tế bào gan gây teo gan vàng cấp, hôn mê gan, tử vong 80%.

+ Suy chức năng gan, giảm yếu tố đông máu gây chảy máu khi đẻ, sẩy thai.

+ Xơ gan, ung thư gan.

+ Mẹ mang kháng nguyên HBsAg có thể lây truyền cho con. Nếu bị nhiễm trong 10 tuần đầu thai nghén thường gây dị dạng thai, sẩy thai. Nếu bị nhiễm từ sau tuần thứ 12, trẻ có thể bị viêm gan cấp, bệnh hay xảy ra tháng thứ 3 sau đẻ, không có dấu hiệu lâm sàng, đôi khi chỉ có dấu hiệu gan to.

  • Tiên lượng

+ Cho mẹ: chảy máu khi sẩy thai hay đẻ, gây rối loạn đông máu và tử vong. Nếu viêm gan tối cấp sẽ bị rối loạn chức năng gan dẫn đến hôn mê gan, lâu dài có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan

+ Cho thai: tiên lượng dè dặt, sẩy thai, đẻ non, thai chết lưu, viêm gan.

Bảng 1. Nguy cơ lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang thai

Xét nghiệm kháng thể ở phụ nữ có thai 3 tháng cuối Nguy cơ lây truyền cho sơ sinh khi đẻ hay sau đẻ Hướng xử trí
HBsAg+/ HBeAg+ 90-100% Huyết thanh- vaccine
HBsAg+/ HBeAg – 20% Huyết thanh- vaccine
HBsAg- /antiHBc+ Chưa biết, tỷ lệ thấp Vaccine
HBsAg- / anti HBs+ Không lây vaccine

3. ĐIỀU TRỊ

  • Cho đến nay chưa có điều trị đặc hiệu, chỉ có điều trị triệu chứng và dự phòng, thai phụ nghỉ ngơi hoàn toàn, dinh dưỡng tốt đề phòng thiếu máu, suy dinh dưỡng
  • Lợi tiểu đông y.
  • Trong thời gian mang thai khám chuyên khoa xét nghiệm PCR tải lượng vi rút trong máu , điều trị thuốc diệt virus.
  • Điều trị rối loạn đông máu nếu có
  • Tránh chấn thương vùng gan
  • Tránh phẫu thuật, thủ thuật nếu không có chỉ định cấp cứu. Trong và sau đẻ điều trị chảy máu, chuẩn bị hồi sức và truyền máu.

4. PHÒNG BỆNH

  • Giảm bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Phát hiện sớm thai phụ có viêm gan để quản lý và tư vấn khi có thai, trong khi đẻ, và sau đẻ. Khuyên khám lại chuyên khoa gan mật sau đẻ 3 tháng.
  • Không cho bú mẹ
  • Tiêm globulin miễn dịch viêm gan B và vaccine cho trẻ sơ sinh, cho những người chăm sóc.

Vaccin viêm gan B: có 2 loại

+ Vaccin thế hệ 1: sản xuất từ kháng nguyên HbsAg của virus trong huyết thanh người bệnh, mức độ an toàn không cao, hiện nay ít được sử dụng.

+ Vaccin thế hệ 2: lấy gene từ virus cấy vào nấm men bia sẽ cho một sản phẩm mới giống virus (tái tổ hợp ADN), độ an toàn cao và hiệu quả tạo miễn dịch tốt, đang được sử dụng rộng rãi

+ Ở những nơi có dịch tễ học viêm gan B cao, người nhiễm virus viêm gan B cao thì khuyến khích tiêm vaccin viêm gan B cho tất cả các em bé mà mẹ không được chẩn đoán sàng lọc

+ Vaccin phối hợp với HBIg được chỉ định cho tất cả con của bà mẹ mang virus viêm gan B

Bài trướcChẩn đoán, điều trị Đái tháo đường thai nghén
Bài tiếp theoChẩn đoán và điều trị HIV khi phụ nữ mang thai

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.