LÃO KHOA

Tuổi già và quá trình lão hóa

Trải qua một thời gian dài phát triển và tồn tại, cơ thể đã có những biến đổi nhất định dẫn đến tuổi già và tiếp theo là cái chết, đó là quy luật không thay đổi mà loài người phải trải qua, nếu không có một yếu tố nào khác (tai nạn, bệnh tật, …) cắt ngang cuộc sống làm người ta kết thúc sớm hơn. Có thể quan sát những thay đổi này ở mức tế bào, tổ chức và cơ quan.

Quá trình hóa già sinh lý: Là kết quả diễn biến theo một chương trình di truyền đã được định sẵn cho mỗi giống, mỗi loài, mỗi cá thể. Chương trình di truyền này nằm trong các nhiễm sắc thể của nhân tế bào, những phân tử ADN. Tuổi càng cao lượng ADN càng giảm, cùng với tuổi tác bản thân mỗi phân tử ADN của cơ thể cũng tích lại những sai lầm trong quá trình chỉ huy tổng hợp protein trọng yếu của cơ thể. Những sai lầm này là đặc trưng của sự lão hóa.

Sự hóa già của một số cơ quan:

Ở hệ thần kinh

Cấu trúc: Khi con người đã có tuổi ở trong não bộ số lượng tế bào thần kinh giảm đi, đặc biệt là các tế bào thần kinh vỏ não có kích thước nhỏ. Do số lượng tế bào thần kinh giảm sút nhiều ở vỏ não nên dễ có hiện tượng sa sút trí tuệ tuổi già kiểu Alzheimer. Về hình thái ngoài qua nghiên cứu người ta thấy từ 20 – 90 tuổi trọng lượng của não giảm từ 10 – 20%. Từ 50 – 90 tuổi hàng năm trọng lượng của não giảm di 3,7g. Khối lượng não bị giảm phản ánh số lượng tế bào thần kinh ngày càng ít đi. Trong tủy sống lượng tế bào thần kinh giảm 15 – 20%, còn các sợi ở rễ trước và sau giảm 30%, ở các dây thần kinh ngoại biên có thoái hóa nhiễm mỡ, trương nở các sợi trục, màng Myeline mỏng đi. Trong các hạch của hệ của thần kinh thực vật số lượng các tế bào giảm dần.

Về chuyển hóa: Tuổi già có sự giảm lưu lượng máu qua não do sự xơ vữa động mạch, giảm tiêu thụ oxy và glucoza, sự giảm này phụ thuộc vào lưu lượng máu qua não và trạng thái chức năng của tế bào thần kinh. Tuổi già có sự lắng đọng lipofuscin (gặp ở hầu hết các loại tế bào của các cơ quan khác nhau) là một hiện tượng đặc trưng của sự hóa già tế bào, sự lắng đọng này đã làm tăng quá trình oxy hóa các acid béo không bão hòa là nguy cơ dẫn đến việc phá hủy tế bào hoặc giảm chức năng của tế bào, đặc biệt là thoái biến các khớp thần kinh.

Trong quá trình già hóa, các men liên quan đến việc tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh bị giảm nhiều nhất là hệ catecholamine. Hậu quả là người già có hiện tượng chậm khởi động, động tác chậm chạp, kém cảm giác, giảm sinh dục, giảm trí nhớ, giảm đáp ứng với những tác nhân kích thích, quá trình tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh chịu ảnh hưởng rất nhiều của việc giảm tiêu thụ oxy và glucoza, giảm lưu lượng máu ở não.

Các rối loạn thần kinh thường gặp: phổ biến nhất là rối loạn thần kinh chức năng kèm theo hội chứng rối loạn thần kinh thực vật như nhức đầu, cơn chóng mặt, ù tai, suy nhược cơ thể và tinh thần, mất ngủ, buồn bã, lo âu.

Ở một số cơ quan khác: ở người già các chức năng cũng bị suy giảm dần theo tuổi

Ở gan: Sự tổng hợp protein và các enzyme từ ARN và ADN giảm dần do đó khả năng thích nghi của cơ thể cũng bị suy giảm.

Ở thận: sự giảm dần số lượng các đơn vị thận và tăng mô xơ ở kẽ, trọng lượng của thận từ 30 tuổi bắt đầu giảm, đến 80 tuổi giảm mất 1/3, ở tuổi này chức năng thận cũng giảm khoảng từ 40 – 50% so với lúc trẻ.

Ở phổi: Tế bào biểu mô hô hấp ở phế nang giảm theo tuổi, thành phần chun ở vách phế nang bị thoái hóa làm giảm khả năng đàn hồi dẫn đến tình trạng ứ đọng ở phổi của người già. Hiện tượng thiếu oxy do suy hô hấp khi đã có tuổi là một nguyên nhân thúc đẩy làm cho quá trình hóa già nhanh hơn.

Ở hệ tim mạch: trong bào tương của tế bào cơ tim người già có tích tụ nhiều hạt lipufuscin. Chất chun ở thành mạch giảm do đó mạch bị cứng, kém đàn hồi.

Ở hệ miễn dịch: miễn dịch qua trung gian tế bào và dịch thể cũng giảm sút dần trong quá trình già hóa. Sự suy giảm miễn dịch ở người già tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện nhiều loại bệnh, bệnh tự miễn và ung thư, đặc biệt là bệnh nhiễm khuẩn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở người già, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong kháng sinh liệu pháp.

Hệ nội tiết: ở người già cũng bị suy giảm dần theo tuổi và gắn liền với việc suy giảm của hệ thần kinh vì hai cơ quan này có quan hệ rất mật thiết với nhau.

Đặc điểm bệnh lý tuổi già

Đặc điểm chung:

Già không phải là bệnh nhưng già tạo điều kiện cho bệnh phát sinh và phát trienr. Sở dĩ như vậy vì tuổi già có giảm khả năng và hiệu lực các quá trình tự điều chỉnh thích nghi của cơ thể, giảm khả năng hấp thu và dự trữ các chất dinh dưỡng, đồng thời hay có rối loạn chuyển hóa, giảm phải ứng của cơ thể nhất là giảm sức tự vệ đối với các yếu tố gây bệnh như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, các stress.

Một đặc điểm cần đặc biệt chú ý là tính chất đa bệnh lý, có nghĩa là người già mắc nhiều bệnh cùng một lúc. Vì thế khi khám bệnh phải rất tỉ mỉ thăm dò toàn diện để có chẩn đoán hoàn chỉnh, xác định bệnh chính, bệnh phụ, bệnh cần giải quyết trước, bệnh cần giải quyết sau, chỉ có trên cơ sở chẩn đoán đầy đủ mới tránh được sai sót rất phổ biến trong điều trị bệnh ở người già.

Các triệu chứng ít khí điển hình do đó dễ làm sai lạc chẩn đoán cũng như đánh giá tiên lượng.

Khả năng phục hồi bệnh ở người già kém. Do đặc điểm cơ thể người già đã suy yếu đồng thời lại mắc nhiều bệnh cùng một lúc trong đó có nhiều bệnh mạn tính thường khó phục hồi.

Những bệnh thường gặp ở người già

Bệnh tim mạch: trong các bệnh tim mạch thường gặp cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, ngoài ra còn gặp tâm phế mạn, rối loạn nhịp tim và dẫn truyền, suy tim, huyết áp thấp, tắc nghẽn động mạch, giãn tim mạch

Bệnh hô hấp: viêm phế quản, giãn phế nang, ung thư phổi, viêm màng phổi.

Bệnh tiêu hóa: ung thư gan, xơ gan, viêm gan mạn, sỏi mật, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mạn, táo bón, trĩ, viêm tụy mạn.

Bệnh thận tiết niệu: viêm thận mạn, viêm bể thận mạn, sỏi tiết niệu, u tiền liệt tuyến.

Bệnh nội tiết chuyển hóa: đái tháo đường (hay có biến chứng thận), suy giáp trạng, suy sinh dục, rối loạn lipid máu, tăng cholesterol máu, suy vỏ thượng thận, tăng acid uric máu.

Bệnh cơ xương khớp: loãng xương, thoái hóa, viêm khớp dạng thấp, bệnh gút, gãy xương các loại, biến dạng xương các loại, hội chứng vai tay.

Bệnh tai mũi họng: giảm thính lực, rối loạn tiền đình, chảy máu cam, ung thư

Bệnh ngoài da: ngứa tuổi già, dầy sừng tuổi già, mụn cơm, rụng tóc, ung thư biểu mô, teo niêm mạch sinh dục ở phụ nữ.

Bệnh mắt: phổ biến đục thủy tinh thể, thoái hóa võng mạc, teo dây thần kinh thị giác.

Bệnh thần kinh: Rối loạn tuần hoàn não đủ các thể và các mức độ, u trong sọ, hội chứng ngoài bó tháp nhất là bệnh Parkinson, viêm đa rễ thần kinh, chèn ép dây thần kinh.

Bệnh tâm thần: bệnh loạn tâm thần tuổi già hay gặp là bệnh Alzheimer.

Vài nét về y học cổ truyền với bệnh lý người cao tuổi và điều trị.

Y học cổ truyền với bệnh lý người cao tuổi:

Người cao tuổi thường các cơ quan lục phủ, ngũ tạng, âm, dương, khí, huyết, kinh mạch, ngũ quan, cân mạch, gân xương đều bị rối loạn và suy giảm chức năng. Đó là quy luật tất yếu của quá trình sinh – trưởng – hóa- thu – tàng. Tuy nhiên mức độ rối loạn các chức năng của các cơ quan tang phủ nói trên khi cơ thể bước vào tuổi già thường không đồng thời và không giống nhau.

Bệnh lý ở người già thường diễn biến mạn tính, ít khi chỉ gặp ở một cơ quan, tạng phủ hoặc tổ chức nào đó mà thường gặp bệnh lý có sự phối hợp của nhiều cơ quan tổ chức, tạng phủ với nhau. Tính chất và diễn biến bệnh lý hư, thực, hàn, nhiệt, âm dương, biểu, lý ở người gài cũng thường phức tạp. Đòi hỏi người thầy thuốc phải thăm khám tỉ mỉ vọng, văn, vấn, thiết rồi phân tích biện chứng kỹ lưỡng để quy nạp bát cương, tạng phủ, kinh mạch… Từ đó đề ra phép tắc trị liệu và chọn phương thuốc đúng với tình trạng diễn biến của bệnh trên cơ sở nắm vững tính chất dược lý hàn, nhiệt, tính vị quy kinh của từng vị thuốc và tính chất hàn, nhiệt của bài thuốc và không được quên rằng quá trình hấp thu và chuyển hóa thuốc ở người cao tuổi kém so với người trẻ mà cho liều lượng thích hợp. Có như vậy mới đạt được kết quả cao trong điều trị và không bị mắc những sai lầm đáng tiếc trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý ở mọi đối tượng nói chung và người cao tuổi nói riêng.

Một số hội chứng bệnh lý của các cơ quan, tạng phủ, khí huyết thường gặp ở người cao tuổi và phương pháp điều trị.

Hội chứng thận âm hư:Thường gặp trong các bệnh tăng huyết áp, tâm căn suy nhược.

Triệu chứng: đau lưng, mỏi gối, ù tai, di tinh, răng lung lay, miệng khô, háo khát, ngũ tâm phiền nhiệt, ra mồ hôi trộm, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác.

Chẩn đoán bát cương: Lý, hư, nhiệt

Pháp điều trị: Tư bổ thận âm

Bài thuốc: Lục vị địa hoàng hoàn

Thục địa 320g Hoài sơn 160g

Sơn thù 160g Trạch tả 120g

Phục linh 120g Đan bì 120g

Tất cả tán bột làm hoàn, ngày uống 15 – 20g hoặc sắc uống với liều lượng thích hợp.

Hội chứng can thận âm hư:Thường gặp trong bệnh tăng huyết áp, tâm căn suy nhược, tiền mãn kinh, đái tháo đường…

Triệu chứng: đau lưng, mỏi gối, ù tai, ngũ tâm phiền nhiệt, đạo hãn, hoa mắt chóng mặt, ngủ kém, khó ngủ, mờ mắt, háo khát, táo bón, tiểu vàng, chất lưỡi đỏ sẫm, rêu ít, hoặc không rêu, mạch trầm tế sác.

Chẩn đoán bát cương: lý, hư, nhiệt

Pháp điều trị: Tư bổ can thận

Bài thuốc: Lục vị quy thược

Thục địa 320g Hoài sơn 160g

Sơn thù 160g Trạch tả 120g

Phục linh 120g Đan bì 120g

Đương quy 160g Bạch thược 120g

Tất cả tán bột làm hoàn, ngày uống 15 – 20g hoặc sắc uống với liều lượng thích hợp.

Hội chứng thận dương hư:thường do bẩm tố tiên thiên không đủ, lao tổn quá độ, lão suy lâu ngày gây ra hay gặp trong các bệnh viêm thận mạn, đái tháo đường, viêm đại tràng…

Triệu chứng: Sợ lạnh, chân tay lạnh, đau mỏi vùng thắt lưng, liệt dương, chất lưỡi nhạt, rêu trắng, mạch trầm trì hoặc hai mạch xích vô lực. Nếu thận hư không cố sáp thêm các chứng: di tinh, hoạt tinh, tiểu tiện nhiều lần, có khi không tự chủ, đái dầm, ỉa lỏng ở người cao tuổi. Nếu thận hư không nạp được khí gây hen suyễn khó thở, mạch phù vô lực. Nếu thận hư không khí hoa bài tiết được nước gây phù toàn thân nhất là hai chi dưới ấn lõm, bụng đầy, đái ít, khó thở, chất lưỡi nhạt, mềm bệu, mạch trầm tế.

Chẩn đoán bát cương: lý hư hàn.

Pháp điều trị: Ôn bổ thận dương, có nhiếp thận khí (nếu di tinh, di niệu, ỉa lỏng), ôn bổ thận khí (nếu thận hư không nạp được phế khí), ôn dương lợi thủy (nếu phù thũng do thận dương hư).

Bài thuốc: Thận khí hoàn

Thục địa 320g Hoài sơn 160g

Sơn thù 160g Phục linh 120g

Đan bì 120g Nhục quế 40g

Phụ tử chế 20g Trạch tả 120g

Tán bột, hoàn viên, ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g với nước muối nhạt.

Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc với liều lượng thích hợp.

Hội chứng tỳ thận dương hư:thường gặp trong viêm thận mạn

Triệu chứng: Sợ lạnh, tay chân lạnh, người mệt mỏi, ăn kém, đại tiện lỏng hay ngũ canh tả, có thể phù thũng, cổ trướng, chất lưỡi nhạt bệu có hằn răng, rêu lưỡi trắng dày, mạch trầm tế nhược.

Chẩn đoán bát cương: Lý hư hàn

Pháp điều trị: Ôn bổ thận dương

Bài thuốc: Thận khí hoàn gia các vị ôn bổ tỳ dương (Bạch truật, Hoàng kỳ…) và các vị thuốc hành khí ôn trung (Mộc hương, Sa nhân…).

Hội chứng khí hư:

Thường do công năng hoạt động cảu cơ thể và nội tạng bị suy thoái hay gặp ở người già yếu, người bệnh mạn tính hoặc ở thời kỳ phụ hồi sau khi mắc các bệnh nặng.

Triệu chứng: Hơi thở ngắn, mệt mỏi, không có sức, tự ra mồ hôi, ăn uống giảm sút, lưỡi nhạt, mạch hư nhược. Ngoài ra còn có các chứng bệnh do trương lực cơ giảm gọi là khí hư hạ hãm gây: sa sinh dục, sa trực tràng, huyết áp thấp…

Pháp điều trị: Bổ khí, ích khí thăng đề

Bài thuốc: Bổ trung ích khí thang

Hoàng kỳ 40g Cam thảo 20g

Đẳng sâm 20g Thăng ma 12g

Trần bì 12g Sài hồ 12g

Đương quy 12g Bạch truật 12g

Tán bột hoàn viên uống 15 – 20g/ngày. Có thể dùng thuốc thang sắc uống.

Hội chứng khí huyết hư

Hay gặp ở những người già yếu kèm theo viêm đại tràng mạn, người già thiếu máu kéo dài.

Triệu chứng: sắc mặt xanh hoặc hơi vàng, môi trắng nhợt, hoa mắt chóng mặt, trống ngực, mất ngủ, tay chân tê, mệt mỏi không có sức, đoản hơi, tự ra mồ hôi, ăn kém, lưỡi nhạt, mạch trầm tế. Có khi bệnh nhân xuất hiện các chứng: Sa trực tràng, sa tử cung, sa dạ dày…

Pháp điều trị: Bổ khí huyết

Bài thuốc: Bát trân thang

Đẳng sâm 12g Bạch linh 12g

Bạch truật 12g Cam thảo 6g

Xuyên khung 12g Đương quy 12g

Thục địa 12g Bạch thược 12g

Sắc uống ngày 1 thang

Hoặc dùng bài Thập toàn đại bổ: gồm bài Bát trân thang gia thêm Nhục quế 10g, Hoàng kỳ 10g

Bài trướcChữa Bệnh Rối loạn giấc ngủ
Bài tiếp theoHỘI CHỨNG RỐI LOẠN LIPID MÁU – BỆNH MỠ MÁU

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.