CHĂM SÓC THAI NGHÉN
Thai nghén là một hiện tượng sinh lý bình thường của người phụ nữ. Trong khi có thai sức đề kháng của người phụ nữ bị giảm sút, vì thế rất dễ bị nhiễm khuẩn, các bệnh lý mạn tính dễ tái phát và nặng lên khi có thai.
Chăm sóc thai nghén đóng một vai trò quan trọng việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Những điều cần thiết:
3.1. Vệ sinh cá nhân
– Tắm rửa: nên tắm rửa hàng ngày cho sạch sẽ, mùa đông nên tắm nước ấm, không ngâm mình trong nước bẩn, tránh viêm nhiễm đường sinh dục, chú ý vệ sinh âm hộ. Nên lau rửa đầu vú mỗi ngày, nếu đầu vú lõm vào trong có thể dùng dầu vaselin thoa và kéo núm vú ra ngoài.
– Áo quần: Nên mặc rộng rãi, mềm mại thoáng mát. Mùa đông phải mặc đủ ấm. Không đi giày guốc cao gót.
– Tránh không tiếp xúc với người bị ốm, bệnh lây, lao, cảm cúm….
3.2. Chế độ ăn uống
3.2.1. Tăng cân trong quá trình mang thai
Đo lường chỉ số khối cơ thể (BMI) của người phụ nữ trước khi mang thai. Dựa trên chỉ số này, giới thiệu cho người phụ nữ những chỉ số tăng cần thường được khuyến cáo trong quá trình mang thai (xem bảng dưới, các chỉ số trong bảng được xây dựng dựa trên các Hướng dẫn của Viện Y học). Những phụ nữ thiếu cân cần tăng cân, và những phụ nữ thừa cân so với các chỉ số ở người phụ nữ cân nặng bình thường cần giảm cân.
BMI = Cân nặng (Kg)/ (Chiều cao)2 (m2)
Các khuyến cáo của IOM (Institute of Medicine) về tăng cân trong quá trình mang thai
Chỉ số khối cơ thể trước khi mang thai | Chỉ số tăng cân trong quá trình mang thai theo khuyến cáo của IOM (lbs/kg) |
< 19,8 (Nhẹ) | 28-40/ 12,5-18 |
19,8-26 (Bình thường) | 25-35/ 11,5-16 |
26,1-29 (Nặng) | 15-25/ 7-11,5 |
> 29 (Béo phì) | Ít nhất 15/ Ít nhất 6* |
*1 Pound ó0,456 kg
Đối với phụ nữ có chế độ ăn phù hợp trước khi mang thai, chỉ cần tăng cường 300kcal mỗi ngày trong giai đoạn mang thai.
Chấm cân nặng của thai phụ lên biểu đồ trong mỗi lần khám thai để thể hiện sự thay đổi cân nặng theo nhóm chỉ số khối cơ thể (BMI). Những thai phụ nhẹ cân cần tăng 0,5kg mỗi tuần, những người có cân nặng bình thường cần tăng 0,4kg/tuần, và những người quá cân cần tăng 0,3kg/tuần.
3.2.2 Nhu cầu dinh dưỡng
– Axít folic: Về nguyên tắc, những phụ nữ có khả năng có thai nên tiêu thụ ít nhất 0,4mg acid folic/ ngày từ bữa ăn thường hoặc thức ăn bổ xung. Những bà mẹ có tiền sử thai nghén bị ảnh hưởng bởi những dị tật ống thần kinh cần bổ sung 4 mg axít folic trong 1 tháng trước khi có thai và tiếp tục trong suốt 3 tháng đầu của quá trình mang thai.
– Sử dụng các loại vitamin tổng hợp: Việc sử dụng vitamin tổng hợp hàng ngày hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau, mặc dù cho tới nay hầu như chưa có bằng chứng nào cho thấy việc sử dụng này có thể gây nguy cơ nghiêm trọng cho người dùng. Các bà mẹ nên tránh sử dụng liều lượng vitamin cao hơn mức cho phép trong quá trình mang thai. Riêng việc sử dụng vitamin A với liều cao (trên 15.000 IU/ ngày) có liên quan tới việc tăng nguy cơ gây các dị dạng cho thai nhi.
– Năng lượng (Calo) đưa vào cơ thể: Tổng năng lượng đưa vào cơ thể là một yếu tố quan trọng bậc nhất ảnh hưởng tới cân nặng khi sinh. Phụ nữ khi mang thai cần bổ sung thêm 300kcal/ ngày.
– Protein: ước lượng nhu cầu protein hàng ngày đối với phụ nữ trong khi mang thai là 60 g. Những nguồn protein có lợi bao gồm protein thực vật, thịt nạc (gà và cá), và các thực phẩm ít chất béo.
– Các acid béo: các acid béo thuộc nhóm Omega-3 có trong các củ, quả, cá nhiều chất béo, và một số dầu thực vật (ví dụ dầu đậu nành) góp phần tăng cường sự phát triển thần kinh và thị giác ở thai nhi và có thể giúp phòng nguy cơ đẻ non cũng như trẻ thiếu cân khi sinh. Các acid béo đồng phân dạng trans (trans fatty acids) có trong các sản phẩm nướng, bơ thực vật, dầu mỡ có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch ở người lớn và có thể giảm cân trẻ sơ sinh cũng như vòng đầu của trẻ. Vì vậy nên tránh dùng những thực phẩm này.
– Natri không nên hạn chế trong quá trình mang thai, tuy nhiên việc dùng quá liều lượng cho phép cũng nên tránh, chủ yếu qua việc tránh dùng nhiều các thức ăn đã được chế biến.
– Sắt: Quá trình loãng máu sinh lý trong quá trình mang thai giảm nồng độ hemoglobin. Theo khuyến cáo của Viện Y học, tất cả các phụ nữ khi mang thai cần bổ sung 30 mg sắt hàng ngày trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thời kỳ thai nghén. Nếu phát hiện thiếu máu thiếu sắt, người phụ nữ cần bổ sung 60 tới 120 mg sắt hàng ngày. Những phụ nữ đang sử dụng sắt với liều điều trị cũng cần bổ sung vào thức ăn hàng ngày 15 mg kẽm và 2 mg đồng. Những thức ăn giàu chất sắt bao gồm các loại thịt gà, cá, cây họ đậu, rau xanh có lá, và bánh mỳ hạt hoặc ngũ cốc.
– Can-xi: Lượng can xi cần cho phụ nữ có thai thuộc nhóm tuổi 19-50 là 1000mg can xi/ ngày và 1.300 mg/ ngày cho nhóm phụ nữ có thai dưới 18 tuổi. Việc bổ sung này có thể được thực hiện thông qua một số chế độ ăn nhất định, trong khi một số chế độ ăn khác cần phải bổ sung thêm. Những thức ăn giàu can-xi bao gồm cá hộp có xương, các hạt thuộc họ vừng, đậu phụ, và các thức ăn hàng ngày khác.
3.3. Dùng thuốc
Nên hạn chế tối đa việc dùng thuốc vì phần lớn đều chuyển sang thai nhi qua bánh rau. Nếu cần dùng phải có ý kiến của bác sĩ. Tiêm phòng uốn ván 2 mũi cách nhau 4 tuần và mũi cuối cùng cách ngày sinh dự đoán 4 tuần.
3.4. Vận động và nghỉ ngơi
Thai nghén không làm cho người phụ nữ phải từ bỏ công việc lao động. Họ có thể lao động bình thường hằng ngày, trừ trường hợp dọa đẻ non. Không có bằng chứng nào cho thấy việc lao động thể chất làm tăng nguy cơ sẩy thai trong 3 tháng đầu của thời kỳ thai nghén.
Cần lao động phù hợp với sức khoẻ. Tránh lao động nặng, quá sức.
Không nên đi xa (nhất là 3 tháng đầu và 3 tháng cuối) dù với phương tiện gì.
Có thể tập thể dục nhẹ nhàng, tập thở sâu, đi bộ…
Giữ cuộc sống thoải mái về tinh thần, chuẩn bị tâm lý cho cuộc đẻ.
3.5. Sinh hoạt tình dục
Phụ nữ khi có thai cần được tư vấn rõ ràng sinh hoạt tình dục không hề gây nguy hiểm cho cả bà mẹ và thai nhi trong quá trình mang thai. Trường hợp rau tiền đạo, hoặc có tiền sử đẻ non nên tránh quan hệ tình dục trong khi mang thai.