Quan niệm và phân loại

Bệnh ngoại khoa thực ra có rất sớm và có trước các bệnh của các khoa khác kể cả nội khoa, vì con người sinh ra phải lao động để sinh tồn cho nên trước tiên phải xuất hiện các kinh nghiệm điều trị: tai nạn lao động, côn trùng, thú cắn… Nhưng từ xưa các y văn để lại, ở nước ta chưa xếp riêng ngoại khoa, ở Trung Quốc thời nhà Chu xếp đó là dương khoa, thầy thuốc điều trị bệnh dương khoa gọi là dương y.

Thời xưa cho rằng các bệnh sinh ra ở bên ngoài cơ thể mắt nhìn thấy, tay sờ thấy có chứng trạng cục bộ đều thuộc phạm vi của ngoại khoa. Ví dụ: đinh, ung, thư, hậu bối, tiền bối, đơn độc, loa lịch, dò, nham, bướu cổ… Sau này do khoa học phát triển có sự kết hợp giữa y học cổ truyền (YHCT) với y học hiện đại (YHHĐ) cho nên phạm vi ngoại khoa rộng hơn, phong phú hơn (ví dụ: sa lâm, chấn thương, côn trùng, thú cắn, các bệnh da liễu, viêm tắc động mạch, trĩ).

Trong ngoại khoa y học cổ truyền, dựa vào các bệnh tình và nguyên nhân có thể chia các loại:

Loại nhiệt (thuộc loại viêm nhiễm theo y học hiện đại): đinh, ung, thư, dương, đơn độc, loa lịch, dò…

Chấn thương: triết thương, nỉu thương, toa thương, huyết ứ, khí trệ ở tạng phủ do chấn thương, trật đả.

Các loại khác: nham, bỏng (hoả sang), lạnh cóng (đông sang); trùng, thú cắn.

Ngoài ra còn chia ra các bệnh theo vị trí tổn thương, kết hợp với tính chất của bệnh.

Các bệnh viêm nhiễm da, cơ, xương, khớp, hạch và tuyến vú.

Các bệnh cấp tính.

Các bệnh hậu môn trực tràng.

Các bệnh da liễu.

Các bệnh thuộc chấn thương.

Các bệnh u.

Các bệnh bang.

Các bệnh bị trùng – thú cắn.

Các bệnh ngoại khoa khác: sỏi gan – mật – tiết niệu, viêm tắc động mạch, tĩnh mạch.

Khái quát về biện chứng bệnh ngoại khoa

Biện chứng nguyên nhân sinh bệnh

Nguyên nhân gây bệnh ngoại khoa là do các nguyên nhân bên ngoài (lục dâm), các nguyên nhân bên trong (nội nhân) và các nguyên nhân khác (bất, ngoại nội nhân) gây nên; nhưng có đặc tính gây bệnh khác với nội khoa.

Nguyên nhân bên ngoài

Lục dâm tà độc còn gọi là ngoại cảm lục dâm, tức là ngoại tà gây nên, bao gồm: phong, hàn, thử, thấp, táo và hoả xâm nhập vào cơ thể làm tổn thương cơ thể mà phát bệnh. Bệnh có thể phát tại chỗ (cục bộ), cũng có thể phát ra toàn thân là tuỳ thuộc vào chính khí (sức đề kháng) của cơ thể. Chính khí toàn thân hư gây bệnh toàn thân (mụn, nhọt toàn thân); chính khí tại chỗ hư gây bệnh tại chỗ (nhọt, ung… tại chỗ). Bệnh cục bộ chiếm tỷ lệ 70 – 80%.

Nguyên nhân gây bệnh trong ngoại khoa thường do hoả, 5 loại tà khí khác kết hợp với hoả để gây bệnh, nhưng bản thân chúng cũng biến thành hoả để gây bệnh còn gọi là hoả độc hoặc nhiệt độc. Vì vậy Nội kinh có nói: “Chính khí còn bên trong, tà khí không làm gì được”.

Phong tà: phong tà là dương tà, tính của phong là táo nhẹ và tán lên trên ra ngoài, cho nên bệnh ở da thường rải rác nhiều nơi, có khi phát toàn thân hoặc tập trung ở đầu, mặt, cổ, bệnh ngứa và khô (hoặc có vẩy mỏng hoặc tê bì).

Ví dụ: phong xâm nhập làm cho huyết táo, bì phu kém nuôi dưỡng mà sinh bệnh như viêm da thần kinh, vẩy nến…

Phong thích hành (di động) mà lại biến hóa nên phát bệnh nhanh và thay đổi, phần nhiều thuộc dương chứng (hoặc xuất hiện sưng, đỏ, đau không có vị trí nhất định; hoặc lên kinh giật co rút).

Ví dụ: bị vết thương cảm phải phong tà gây bệnh nội phong có thể gặp phá thương phong (giống như uốn ván, nếu là uốn ván cần phải phòng và điều trị y học hiện đại trước tiên).

Hàn tà: hàn tà là âm tà, tính chất bệnh ở sâu, thâm, tê bì, cân xương… bệnh phần nhiều thuộc âm chứng. Đặc điểm bệnh ngoại khoa của hàn là sưng mà không cứng, màu sắc da thâm tía hoặc màu da trước khi bị bệnh không đỏ, không nóng, đau nhiều ở vị trí nhất định, bệnh âm thầm nặng.

Ví dụ: nguyên nhân do hàn làm cho khí huyết ứ trệ gây nên nhức đầu; chi lạnh buốt tái nhợt, thậm chí thiếu huyết nuôi dưỡng, teo nhỏ, rụng đốt tay đốt chân… gặp trong thoát thư (động mạch); hoặc nếu do hàn tà xâm nhập nhiều, lâu, ngưng trệ khí huyết toàn thân gây toàn thân cứng đờ, lạnh buốt, đó là bệnh đông thương (bệnh lạnh cóng).

Hỏa tà: hỏa tà thuộc dương tà, các triệu chứng chung là: ngứa, đau, lở loét… đều do hỏa hoặc phong, hàn, thử, thấp tà hoá hỏa gây nên.

Đặc điểm: phát bệnh nhanh, cấp tính (sưng, đỏ, nóng và đau). Ví dụ: nhiệt vào huyết có thể gây đơn độc hỏa nhiệt độc như bệnh: đinh, thư, ung nhọt…; tuỳ theo vị trí mà gây chứng bệnh khác nhau như: da là đơn độc, có biểu định như ung nhọt ở kinh mạch như viêm hạch, ở trước ngực là tiền bối ở sau lưng là hậu bối.

Từ vị trí của bệnh có thể biết các nguyên nhân kết hợp với hỏa, cụ thể: nếu phát bệnh ở phần trên cơ thể như: đầu, mặt, cổ, chi trên… là thường kết hợp với phong; nếu bệnh phát ở ngực, sườn, bụng… là thường hỏa ứ lâu gọi là hỏa uất vì khí hoả thường uất ở giữa cơ thể; nếu phát bệnh ở phần dưới cơ thể như hậu môn, chi dưới, sinh dục, tiết niệu thường kết hợp với thấp vì tính chất của thấp là hạ giáng. Tuy vậy khi chẩn đoán nguyên nhân cần phải kết hợp với triệu chứng toàn thân tại chỗ và vị trí bệnh trên cơ thể để điều trị mới để lại kết quả tốt.

Thấp tà: thấp tà là âm tà, có tính chất nhớt, dính, bẩn đục… Tuỳ theo sự thiên lệch của hàn nhiệt trong cơ thể và của quý tiết khí trời mà hóa hàn, hóa nhiệt; mà kết hợp thành thấp hàn, thấp nhiệt.

Đặc điểm: nếu ở cơ nhục thì da loét nát, chảy nước hoặc chảy mủ; ở sâu thì rò, da ẩm ướt.

Ví dụ: thấp nhiệt gặp ở trĩ loét nát, ung thũng; thấp hàn gặp ở chi dưới thì gặp các loét mụn, loét…

Táo tà: táo là dương tà, đặc điểm của táo là làm tổn hại tân dịch, huyết táo sinh phong, phần nhiều bệnh phát ở tay – chân và da (bì phu)…

Tính chất của táo là: bì phu khô, nẻ, ngứa, mẩn, bong vẩy, nứt kẽ… Ví dụ: nếu nhiệt táo xâm nhập vào huyết sinh huyết táo, huyết nhiệt… có thể gặp ở bệnh vẩy nến; nếu huyết táo có thể gặp bệnh thấp mạn tính, da mẩn ngứa.

Thử tà: thử là dương tà, thường hiệp (bức), thử thấp bị trùng đốt lâu hóa nhiệt phần nhiều phát ra ở cơ – da – đầu – mặt.

Đặc điểm là: sưng đỏ, nung mủ, đau, gặp lạnh đau giảm. Ví dụ: thử thấp nung đốt bì phu thành rôm sẩy hoặc cảm phải thử độc thành vết thương lở loét, mụn nước.

Nguyên nhân bên trong

Nguyên nhân bên trong gọi là nội thương thất tình, đó là nhân tố tinh thần, cụ thể là: hỷ (vui), nộ (giận), bi (buồn), ai (lo), kinh (hãi), khủng (sợ), u (suy nghĩ)… bị rối loạn làm cho âm dương không điều hòa, khí huyết không hòa hợp, công năng của các tạng phủ và kinh lạc bị hỗn loạn mà gây bệnh. Trong bệnh ngoại khoa hay gặp lo nghĩ, tức giận quá độ. Ví dụ: tình chí không thông, tức giận quá độ làm cho can khí uất kết, khí trệ đàm ngưng… hay gặp trên lâm sàng là bệnh viêm hạch (loa lịch), viêm tuyến vú, tắc tia sữa, u giáp trạng, các khối u… Ngoài ra còn gặp các bệnh ngoài da như: viêm da thần kinh, bệnh sẩn ngứa… cũng do yếu tố tinh thần gây nên.

Các nguyên nhân khác

ăn uống không điều độ: theo Hải Thượng Lãn Ông đã nói: “Ăn uống là bồi đắp những chất cho chỗ thiếu, ăn uống quá mức thì thương tổn tới tỳ vị đạo trường”, cho nên ăn uống không điều độ cũng là nguyên nhân gây bệnh ngoại khoa. Ví dụ: ăn nhiều thứ cay, nóng, béo, ngọt gây vị trường tích nhiệt, hỏa độc nội sinh gây nên bệnh lở loét, đinh, nhọt, rôm sẩy…; hoặc ăn uống quá nhiều gây nên thực tích, sinh bệnh cấp tính ở bụng, ăn thức ăn lạnh hoặc quá đói gây nên các bệnh giun: tắc ruột do giun, giun chui ống mật…

Phòng dục: trong tập Nội kinh yếu chỉ Hải Thượng Lãn Ông đã nói rõ: “Sinh hoạt là kỷ cương của hành động… say đắm về sắc gọi là phòng dục, tửu sắc bừa bãi gọi là hao, say đắm sắc dục quá mức thì gọi là tinh cạn, bừa bãi thì tinh khí tản mạn”. Như vậy nếu phòng dục quá độ gây thận khí tổn thương, phong tà, hàn thấp dễ xâm nhập mà sinh bệnh (ví dụ: viêm tuỷ xương, xương gãy lâu liền…).

Nơi ở: đây cũng là nhân tố gây bệnh vì nó có liên quan chặt chẽ tới lục dâm và cũng là yếu tố sinh ra lục dâm. Vì vậy bệnh ngoại khoa do nơi ở gây nên chính là do lục dâm gây nên.

Các nguyên nhân khác:

Chấn thương.

Trùng thú cắn.

Hỏa thương và đông thương.

Các tổn thương trên nếu bệnh nhẹ thì cơ da, gân, xương bị tổn thương; nếu bệnh nặng thì các tạng phủ bị tổn thương; nếu bệnh nghiêm trọng hơn thì biến bệnh toàn thân.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.