I.ĐẶC ĐIỂM CHUNG:
1.Bệnh có nhiều tên gọi: Hội chứng Fiessenger – Leroy – Reiter, hội chứng mắt – niệu đạo – khớp. Bệnh được phát hiện và mô tả vào năm 1916 cùng một lúc với các tác giả Fiessenger, Leroy (Pháp) và Reiter (Đức).
2.Trước đây quan niệm là một hội chứng có nhiều biểu hiện ở mắt, niệu đạo, tiêu hóa, da, niêm mạc và khớp mà nguyên nhân chưa rõ, ngày nay bệnh được xếp vào nguyên nhân nhiễm khuẩn.
3.Nguyên nhân, điều kiện phát bệnh và cơ địa: khi mới được tìm ra người ta thường thấy bệnh phát triển thành dịch và triệu chứng khớp bao giờ cũng đi sau hội chứng lỵ, do đó trong một thời gian khá dài nguyên nhân trực tiếp được coi là trực khuẩn lỵ, nhưng bằng phương pháp cấy phân và huyết thanh chẩn đoán rất ít khi thấy dương tính, hơn nữa số người bị bệnh phần lớn là nam giới trẻ tuổi, nhưng vấn đề này mãi gần đây mới được giải đáp.
Reiter là một bệnh nhiễm khuẩn thường phát dịch, lây lan bằng đường tiêu hóa hay niêm mạc, nguyên nhân gây bệnh có thể là một loại vi khuẩn (gần đây đã có nhiều công trình công bố vai trò của Chlamydia).
Reiter là một bệnh theo cơ địa, 90% là nam giới tuổi từ 16 đến 28, nữ giới và các lứa tuổi khác rất ít mắc. Dựa vào sự tìm hiểu về hệ thống HLA, người ta thấy những bệnh nhân Reiter mang kháng nguyên HLA B27 từ 80 – 90% trường hợp (trong khi ở những người thường yếu tố này chỉ chiếm 4% dân số), có thể nói một cách khác, những người mang yếu tố HLA B27 là những cơ địa dễ mắc bệnh Reiter hơn những người khác gấp nhiều lần.
II.TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG VIÊM KHỚP REITER
Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện theo một trình tự nhất định, đầu tiên là hội chứng lỵ hoặc ỉa chảy, sau 1 tuần đến 2 tuần viêm mắt, viêm niệu đạo rồi đến khớp và các bộ phận khác.
1.Triệu chứng về tiêu hóa: Bệnh nhân có thể có biểu hiện như một hội chứng lỵ: đau quặn, mót rặn, ỉa ra máu mũi, hoặc chỉ là ỉa chảy thông thường. Rất ít khi tìm thấy trực khuẩn lỵ trong phân.
2.Tiết niệu: Thường hay bị bỏ qua vì bệnh nhân ít chú ý đến, nếu ta hỏi và khám kỹ sẽ thấy bệnh nhân đái hơi buốt vào đầu bãi và buổi sáng thấy chảy một vài giọt nước nhầy hoặc hơi đục ở miệng sáo. Các dấu hiệu này chỉ kéo dài trong vài ngày rồi khỏi.
3.Mắt: xuất hiện sau viêm niệu đạo, thường là viêm kết mạc cả hai bên, mắt xung huyết mạnh, tiết dịch nhiều, phần lớn là lành tính, khỏi sau vài ngày, một số ít trường hợp có viêm màng bồ đào, viêm mống mắt thể mi.
4.Khớp: thường xuất hiện muộn, đi sau các triệu chứng khác nhưng diễn biến kéo dài, quyết định tiên lượng của bệnh, có 3 thể:
a. Thể nhẹ: chỉ viêm một khớp, không sốt, không gầy sút, không teo cơ và khỏi nhanh không để lại di chứng. Khớp tổn thương hay gặp là gối hoặc cổ chân.
b. Thể trung bình: viêm một số khớp, không đối xứng.
Bệnh nhân có sốt, gầy sút.
Khớp viêm, sưng, nóng, đỏ, đau và hạn chế vận động rõ, có nước, teo cơ rõ.
Các vị trí hay gặp là gối, cổ chân, khớp nhỏ ở chân và tay, đôi khi ở cột sống, cùng chậu.
Diễn biến kéo dài từ 1 tháng đến 3 tháng, ít để lại di chứng.
c. Thể nặng: viêm nhiều khớp, sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội, teo cơ nhanh chóng. Sốt cao kéo dài, gầy sút nhiều. Diễn biến kéo dài, phần lớn để lại di chứng hoặc chuyển sang bệnh viêm cột sống dính khớp.
5.Các biểu hiện khác: ít gặp hơn so với 4 triệu chứng trên.
a. Da và niêm mạc:
Loét miệng sáo: loét ở xung quanh miệng sáo, màu đỏ, tiết dịch, ở phía dưới là một nền hơi cứng, không đau, để lâu đóng vảy màu đỏ nâu.
Viêm niêm mạc trong vòm miệng có những mảng đỏ sẫm, sạch và nhẵn, không đau, không chảy máu.
Da ở ngực, chi, mặt, gan tay, bìu … có thể thấy những mảng sừng hóa nhẹ, trên đó có những mọn phỏng nhỏ.
b. Nội tạng, rất hiếm gặp:
Tim: nhịp nhanh, viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim, dấu hiệu nhẹ và không để lại di chứng.
Thần kinh: đau và teo cơ vùng vai, viêm một hay nhiều dây thần kinh ngoại biên.
Phổi: hình thâm nhiễm bay mau trên hình ảnh X quang.
6.Tiến triển: Tất cả các triệu chứng đều khỏi trong một thời gian ngắn, chỉ còn triệu chứng viêm khớp tồn tại, kéo dài từ vài tuần tới vài tháng. Bệnh có ba diễn biến khác nhau:
Khỏi hoàn toàn không để lại di chứng, không tái phát.
Khỏi không để lại di chứng nhưng hay tái phát, tái phát có thể xuất hiện đủ các triệu chứng như đợt đầu nhưng phần lớn là thiếu, biểu hiện ở khớp sau mỗi lần tái phát thường nặng lên.
Kéo dài và nặng dần lên, biểu hiện ở khớp phát triển và nặng chuyển sang bệnh viêm cột sống dính khớp (khoảng từ 5 – 15%) với đầy đủ các triệu chứng của bệnh này.
III.XÉT NGHIỆM:
1.Các xét nghiệm thông thường:
Công thức máu: bạch cầu tăng.
Tốc độ lắng máu tăng cao.
Sợi huyết tăng.
Điện di Protein: globulin alpha 1, bêta, gamma tăng.
Các xét nghiệm Waaler-Rose, Latex, tế bào Hargraves, kháng thể kháng nhân đều (-), ASLO bình thường.
2.Tìm hình ảnh hạt vùi trong các tế bào niêm mạc và khớp: Có thể coi đây là một xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh Reiter.
Các tế bào niêm mạc: người ta nạo lấy các tế bào niêm mạc của kết mạc mắt, niệu đạo, trực tràng phết lên phiến kính, cố định bằng cồn rồi nhuộm Giemsa. Qua kính hiển vi thường thấy hình ảnh hạt vùi nằm trong các tế bào, đó là những hạt có màu đỏ, quanh có 1 vòng sáng nằm cạnh nhân tế bào và đẩy nhân sang 1 phía hoặc nằm ở trong nhân.
Dịch khớp: dịch khớp kiểu viêm, nhiều bạch cầu. Ta cũng thấy hình ảnh hạt vùi ở trong các bạch cầu hoặc tế bào của màng hoạt dịch khớp.
Đa số các tác giả đều cho rằng hạt vùi chính là dấu hiệu trực tiếp của các bệnh nhiễm virus và vi khuẩn.
3.Sinh thiết màng hoạt dịch khớp: Trong giai đoạn cấp thấy hình ảnh viêm, phù nề, xung huyết không đặc hiệu. Giai đoạn tiếp theo thấy những thay đổi về cơ thể, bệnh giống như trong bệnh viêm cột sống dính khớp.
4.X quang: Trong giai đoạn cấp, chụp khớp không có gì thay đổi. Khi bệnh diễn biến kéo dài có những hình ảnh X quang khá đặc biệt: viêm khớp cùng chậu cả hai bên, mất chất vôi và hẹp khe khớp ở khớp ngoại biên, hình ảnh cầu xương ở cột sống. Những dấu hiệu X quang rất giống với bệnh viêm cột sống dính khớp.
IV.CHẨN ĐOÁN BỆNH VIÊM KHỚP REITER
1.Chẩn đoán dương tính: Dễ nếu có đầy đủ các triệu chứng như viêm khớp, viêm niệu đạo và mắt xuất hiện sau hội chứng lỵ. Nhưng phần lớn trường hợp có triệu chứng không đầy đủ, hoặc đến khám vào thời kỳ muộn chỉ còn các dấu hiệu ở khớp. Vì vậy ta có thể dựa vào các tiêu chuẩn sau đây để chẩn đoán bệnh Reiter:
a.Viêm khớp: Tất cả các thể và vị trí.
b.Biểu hiện ngoài khớp: có 1 trong các triệu chứng sau: hội chứng lỵ, viêm niệu đạo, viêm mắt (kể cả giác mạc và mống mắt, thể mi), loét ở da và niêm mạc.
c.Hình ảnh hạt vùi trong các tế bào niêm mạc(mắt, niệu đạo, trực tràng), hoặc trong tế bào dịch khớp.
Chẩn đoán được xác định khi bệnh nhân có đủ 3 tiêu chuẩn kể trên.
2.Chẩn đoán phân biệt:
a.Trong giai đoạn cấpcần phân biệt với:
Thấp khớp cấp: dễ phân định vì dựa vào tính chất di chuyển của viêm khớp và sự nhạy cảm với Steroid, Aspirin.
Thấp khớp bán cấp: khó phân biệt nếu không có triệu chứng phụ và không tìm thấy hình ảnh hạt vùi.
b.Trong giai đoạn sau:
Viêm khớp sau lậu: tìm thấy lậu cầu ở dịch niêm mạc niệu đạo và âm đạo, nhạy cảm đặc biệt với Penicillin.
Biểu hiện khớp của các bệnh tiêu hóa: bệnh viêm trực tràng chảy máu, bệnh Crohn, bệnh Whipple. Những biểu hiện về tiêu hóa là chủ yếu và kéo dài.
Bệnh Behcet: cũng là một bệnh khớp do nguyên nhân nhiễm khuẩn, tổn thương ở da và niêm mạc khá nặng và điển hình.
3.Về mối liên quan giữa bệnh Reiter và viêm cột sống dính khớp: Rất nhiều thống kê theo dõi thấy bệnh Reiter có từ 15 đến 30% chuyển thành viêm cột sống dính khớp, hơn nữa hai bệnh còn nhiều tính chất tương tự: đều là bệnh của nam giới, trẻ tuổi, đều hay biểu hiện ở các khớp lớn: gốc chi, đều có biểu hiện ở mắt (nhất là viêm mống mắt), đều rất nhạy cảm với thuốc chống viêm Phenylbutazon. Và gần đây người ta thấy cả 2 bệnh đều mang yếu tố kháng nguyên phù hợp tổ chức HLA B27 rất cao (từ 70 – 90% dương tính). Do đó có nhiều quan điểm cho rằng 2 bệnh là cùng một căn nguyên, hay đây chỉ là giai đoạn của một bệnh. Vấn đề đang còn được tiếp tục nghiên cứu.