Áp xe vú
I. Đại cương
+ Áp xe vú là một bệnh hay gặp ở phụ nữ, rất ít gặp ở nam giới.
+ Áp xe vú hay gặp nhất trong thời kỳ người phụ nữ sinh đẻ, nuôi con (áp xe vú trong thời kỳ cho bú).
II. Phân loại
1. Dựa vào vị trí ổ áp xe có thể chia ra
+ Áp xe trước tuyến.
+ Áp xe trong tuyến.
+ Áp xe sau tuyến.
2. Dựa vào diễn biến của quá trình viêm có thể chia ra
+ Giai đoạn viêm.
+ Giai đoạn tạo thành áp xe và hoại thư vú.
III. Nguyên nhân, bệnh sinh
1. Nguyên nhân
Vi khuẩn gây viêm mủ ở vú thường là tụ cầu và liên cầu Hiếm gặp hơn là các loại phế cầu, lậu cầu, trực khuẩn thương hàn, vi khuẩn kỵ khí.
Sức đề kháng của cơ thể, điều kiện sống và quá trình ứ đọng sữa trong tuyến vú là các yếu tố đóng vai trò quan trọng trong bệnh sinh áp xe vú.
2. Bệnh sinh
Các vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập vào tuyến vú qua hai đường trực tiếp và gián tiếp.
+ Đường trực tiếp: Các vi khuẩn gây bệnh thường có trên da có thể xâm nhập trực tiếp vào tuyến vú qua các ống dẫn sưã hoặc các vết xây sát ở núm vú và vùng quầng vú.
+ Đường gián tiếp: Vi khuẩn có thể xâm nhập vào tuyến vú từ một ổ nhiễm khuẩn nào đó của cơ thể qua đường máu hoặc đường bạch huyết.
IV. Lâm sàng
Các dấu hiệu lâm sàng phụ thuộc vào vị trí, giai đoạn và tiến triển của quá trình viêm. Có thể chia ra: Giai đoạn viêm và giai đoạn tạo thành áp xe.
1. Giai đoạn viêm
Bệnh thường khởi phát đột ngột: sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ. Đau nhức sâu ở trong tuyến, đau tăng khi khám, khi cử động cánh tay. Vú bị viêm to ra, chắc, hạch nách cùng bên to và đau. Vùng a ở phía trên ổ viêm có thể bình thường nếu ổ viêm ở sâu trong tuyến, hoặc có thể nóng, đỏ, phù nề nếu ổ viêm nằm ngay
dưới da hoặc trên bề mặt của tuyến. Xét nghiệm thấy bạch cầu tăng cao, công thức bạch cầu chuyển trái, tốc độ máu lắng tăng cao.
2. Giai đoạn tạo thành áp xe
Áp xe vú là những túi mủ khư trú ở vú được hình thành do sự hoại tử các mô. Có thể có một hoặc nhiều ổ áp xe nằm ở một hoặc nhiều thùy khác nhau của tuyến vú. Ở giai đoạn tạo thành áp xe, tất cả các triệu chứng của giai đoạn viêm đều tăng lên.
+ Toàn thân: Biểu hiện bằng hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc: sốt cao kèm theo rét run, rùng mình. Môi khô, lưỡi bự bẩn, đau đầu, khát nước. Da xanh, cơ thể gầy yếu, mất ngủ.
+ Cơ năng: Đau nhức nhối, đau sâu trong tuyến vú. Đau tăng khi vận động cánh tay, khi cho con bú
+ Tại chỗ: Vú xưng to, vùng a phía trên ổ áp xe thường nóng, căng, xung huyết đỏ hoặc phù tím. Da cũng có thể vẫn bình thường nếu ổ áp xe nằm ở sâu. Các tĩnh mạch dưới da nổi rõ, có hiện tượng viêm bạch mạch. Núm vú tụt. Sờ có thể thấy dấu hiệu ba động. Nếu ổ áp xe thông với các ống dẫn sữa thì có thể thấy sữa lẫn mủ chẩy qua đầu núm vú. Chọc hút đúng ổ áp xe có thể hút được mủ.
V. Tiến triển và biến chứng
Viêm mủ tuyến vú nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể diễn biến theo các hướng sau
1. Viêm xơ tuyến vú mãn tính
Là hậu quả của việc dùng kháng sinh kéo dài ở giai đoạn áp xe hoặc là hậu quả của các quan niêm sai lầm: tiêm trực tiếp kháng sinh vào tuyến vú để điều trị áp xe vú. Ở giai đoạn này biểu hiện toàn thân khá hơn. Không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ. Khám có thể sờ thấy một vùng thâm nhiễm rắn như sụn, bề mặt lổn nhổn, ranh giới không rõ ràng, không dính a, ít đau.
2. Viêm mô liên kết (viêm tấy tuyến vú)
Là quá trình viêm mủ tuyến vú khi dịch tiết lẫn mủ nằm giữa các lớp da, tổ chức lỏng lẻo dưới da, tổ chức liên kết và tổ chức tuyến vú. Quá trình viêm được khuyếch tán lan rộng và thấm ướt tổ chức. Diễn biến lâm sàng thường được biểu hiện bằng hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân nặng. Vùng thâm nhiễm không có ranh giới rõ ràng.
3. Hoại thư vú
Là biến chứng nặng nhất cả quá trình viêm mủ vú do những vi trùng có độc tính cao hoặc do trực khuẩn hoại thư gây ra. Lâm sàng được biểu hiện bằng hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, huyết áp tụt, toàn thân suy mòn. Tuyến vú căng to, phù nề, da có mầu vàng nhạt, có thể hoại tử. Hệ thống hạch bạch huyết xưng đau.
VI. Chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt
Ơ giai đoạn áp xe hoặc viêm tấy cần phân biệt với ung thư vú thể cấp dạng viêm: ung thư vú thể cấp dạng viêm hay gặp ở phụ nữ trẻ, đang tuổi cho con bú, có khi bị ung thư cả hai vú cùng một lúc. Vú to ra rất nhanh, không đau, trông bề ngoài giống như viêm tấy. Hạch nách thường bị thâm nhiễm sớm. Toàn thân suy sụp nhanh. Đôi khi có sốt và bệnh nhân có thể chết trong vòng 1 – 3 tháng. Để chẩn đoán phân biệt cần làm xét nghiệm chẩn đoán vi thể tế bào học chọc hút bằng kim nhỏ hoặc làm sinh thiết tức thì.
VII. Dự phòng và điều trị
1. Dự phòng
Để tránh áp xe vú trong thời kỳ cho bú cần: giữ gìn vệ sinh tốt vùng vú trước và sau khi cho con bú; tránh làm xây sát, rạn nứt đầu núm vú, tránh ứ đọng sữa, tắc sữa.
1. Điều trị
Tùy theo vị trí và kích thước của ổ áp xe mà có thái độ điều trị khác nhau. Về nguyên tắc: khi đã tạo thành áp xe thì cần phải chích rạch, tháo mủ.
+ Với các áp xe ở nông dưới da, vùng quầng vú: Điều trị giống như chích nhọt ở nơi khác.
+ Đối với các áp xe thể tuyến: dưới gây mê hoặc gây tê tại chỗ, chích áp xe theo đường nan hoa ở chỗ thấp nhất trên khu vực áp xe. Chiềuài đường rạch từ 7 – 10cm, cách núm vú từ 2 – 3 cm. Dùng ngón tay đưa vào ổ mủ để phá hết các vách xơ. Bằng đường rạch như trên, nếu thấy khó tháo mủ vì áp xe có nhiều ổ thì có thể rạch đường thứ hai (rạch đối chiếu). Sau khi tháo mủ cần đặt dẫn lưu bằng ống cao su hoặc độn gạc. Sau mổ cần bơm rửa ổ áp xe hàng ngày qua ống dẫn lưu bằng dung dịch sát trùng, kết hợp với dùng kháng sinh toàn thân. Khi đường rạch tháo mủ không đủ rộng, mủ có thể bị ứ lại và quá trình viêm sẽ lan sang các thùy tuyến lân cận
+ Với các áp xe ở sau tuyến: Cần rạch tháo mủ theo đường vòng cung ở bờ dưới, ngoài tuyến vú. Sau khi chích tháo mủ cần đặt ống dẫn lưu hoặc độn gạc. Cần rửa ổ áp xe hàng ngày bằng các dung dịch sát trùng dể tạo điều kiện cho quá trình liền sẹo của ổ áp xe nhanh hơn.