Xuất tinh máu

Xuất tinh máu (XTM) là một triệu chứng thường gặp trong các dạng rối loạn xuất tinh và nó làm cho người bệnh cảm thấy rất lo lắng,

Xuất tinh máu là một triệu chứng thường gặp trong các dạng rối loạn xuất tinh và nó làm cho người bệnh cảm thấy rất lo lắng, mặc dù nguyên nhân ít khi là hậu quả của một bệnh lý ác tính.

Xuất tinh máu được định nghĩa là có máu trong tinh dịch, có thể tinh dịch lẫn những sợi máu tươi hoặc cả khối tinh dịch có màu nâu thẫm.

Các nguyên nhân

Khi có bất thường về tinh trùng, người ta thường nghĩ đến một vài tổn thương của các cơ quan sinh ra nó.

Nguyên nhân túi tinh:

– Viêm túi tinh là nguyên nhân thường gặp nhất, có thể là do viêm ngược dòng từ viêm đường tiểu như viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt (TTL). Vì vậy, khi thăm khám thường khai thác bệnh sử có từng bị nhiễm trùng đường tiểu không.

– Viêm túi tinh do lao cũng thường gặp, có thể là tiên phát hoặc thứ phát sau từ một cơ quan nào đó trong cơ thể.

– Nang túi tinh hay nang ống phóng tinh cũng gây ra Xuất tinh máu.

Nguyên nhân từ tuyến tiền liệt:

– Do sinh thiết tuyến tiền liệt, chọc kim qua đường trực tràng để lấy mẫu sinh thiết và làm tổn thương tuyến tiền liệt, khi xuất tinh sẽ gây ra tình trạng có máu lẫn trong tinh dịch.

– Viêm tuyến tiền liệt (30% các trường hợp).

– Ung thư tuyến tiền liệt: khối ung thư phát triển và xuất huyết sẽ gây ra Xuất tinh máu. Như vậy, Xuất tinh máu có thể là gợi ý tình trạng ung thư tuyến tiền liệt và là dấu hiệu giúp ta nghĩ tới ung thư tuyến tiền liệt để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

– Giãn tĩnh mạch tuyến tiền liệt cũng có thể gây ra Xuất tinh máu.

– U xơ tuyến tiền liệt, sỏi tiền liệt tuyến.

– Nang tuyến tiền liệt, có những nang trong tuyến tiền liệt khi vỡ ra có thể gây Xuất tinh máu. Sau phẫu thuật nội soi tuyến tiền liệt hoặc áp điện điều trị bướu lành, tuyến tiền liệt.

Nguyên nhân từ niệu đạo:

– Viêm niệu đạo cũng gây ra Xuất tinh máu, đặc biệt là viêm bàng quang.

– Nang niệu đạo, polype niệu đạo.

– Chấn thương niệu đạo, chấn thương tầng sinh môn.

Ngoài ra, chấn thương tinh hoàn, sau phẫu thuật chích xơ trĩ nội cũng có thể gây ra tình trạng Xuất tinh máu. Các bệnh toàn thân như: tăng huyết áp, rối loạn đông máu, bệnh gan mạn tính, bệnh tự miễn cũng có thể gây ra Xuất tinh máu mặc dù cơ chế chưa được xác định rõ ràng.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán Xuất tinh máu cần hỏi bệnh nhân có tiền sử sinh thiết tuyến tiền liệt không, có bị nhiễm trùng đường tiết niệu sinh dục trước đó hay không? Các bệnh lý viêm tuyến tiền liệt và túi tinh, bệnh tăng huyết áp, lao tuyến tiền liệt và túi tinh, sỏi tuyến tiền liệt và túi tinh, cơ địa chảy máu, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư túi tinh và giãn tĩnh mạch tuyến tiền liệt.

Các xét nghiệm chẩn đoán bao gồm:

– Tổng phân tích và cấy nước tiểu: giúp chẩn đoán bệnh nguyên có thể là tình trạng viêm túi tinh thứ phát sau viêm bàng quang hay viêm niệu đạo. Nếu nghi ngờ lao, cần cấy nước tiểu để tìm trực khuẩn lao.

– Cấy và phân tích tinh dịch đồ: chẩn đoán xác định được Xuất tinh máu, có thể nuôi cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ để hổ trợ việc điều trị.

– PSA cho những bệnh nhân > 40 tuổi để loại trừ ung thư tuyến tiền liệt.

– Chức năng đông máu toàn bộ cho bệnh nhân Xuất tinh máu trên 2 tháng.

Các phương tiện hình ảnh học:

– Siêu âm qua trực tràng: cho hình ảnh rõ nét của túi tinh, ống phóng tinh có thể xác định các nguyên nhân gây Xuất tinh máu như: nang, sỏi túi tinh; soi tuyến tiền liệt, có thể có hình ảnh gợi ý tình trạng viêm túi tinh trên siêu âm trực tràng.

– Cộng hưởng từ: giúp chẩn đoán xuất huyết từ túi tinh hay tuyến tiền liệt.

– Soi bàng quang: giúp phát hiện tổn thương ở niệu đạo và tuyến tiền liệt, viêm bàng quang, xuất huyết cổ bàng quang…

Nội soi túi tinh và sinh thiết túi tinh khi có bất thường trên siêu âm hoặc cộng hưởng từ.

Điều trị

Điều trị nội khoa bao gồm dùng kháng sinh trong những trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu sinh dục, viêm túi tinh, viêm bàng quang. Kháng sinh thường được lựa chọn là kháng sinh tác dụng trên đường tiết niệu như nhóm: quinolon, nhóm tetracycline… Trong trường hợp điều trị không đáp ứng thì ta có thể điều trị theo kết quả cấy tinh dịch và theo kháng sinh đồ.

Tác giả bài viết: BS. Đặng Ngọc Sinh

Bệnh “ngáy ngủ” và cách chữa

Không chỉ làm phiền mọi người, thực tế, “ngáy ngủ” là một căn bệnh gây tác hại cho chính bệnh nhân, đôi khi nghiêm trọng tới mức khó tin.

Không chỉ làm phiền mọi người, thực tế, “ngáy ngủ” là một căn bệnh gây tác hại cho chính bệnh nhân, đôi khi nghiêm trọng tới mức khó tin.

Ngáy ngủ là gì?

Theo các chuyên gia y tế, triệu chứng ngáy ngủ là do sự bế tắc đường hô hấp trên vì nhiều nguyên nhân như do mắc bệnh dị ứng, amiđan quá to, viêm xoang, phong mũi… hoặc do những dị dạng bẩm sinh như cổ họng hẹp, cuống lưỡi to, cuống họng dài…ngoài ra ngáy ngủ còn do uống rượu say ngủ mê mệt, cơ thể quá béo khiến mỡ bám dày cổ họng và hút thuốc lá nhiều khiến khói ám làm cổ họng hẹp đi…

Triệu chứng ngáy ngủ có thể chia làm 3 cấp độ: Cấp độ 1- ngáy ít, tiếng ngáy không to và khi nằm nghiêng sẽ ngừng ngáy. Cấp độ 2 – ngáy vừa phải, ngáy to hơn và nằm ngủ ở tư thế nào cũng vẫn ngáy. Cấp độ 3 – ngáy rất to ở mọi tư thế nằm ngủ và kèm theo triệu chứng nghẹt thở nhất thời, khiến người ngáy tỉnh giấc với trạng thái mệt mỏi. Mức độ này có thể nguy hiểm tới bệnh nhân.

Những nguy hại của bệnh ngáy ngủ

Bệnh ngáy ngủ thường gây khó chịu cho người ngủ cùng, đôi khi còn có tác động tiêu cực tới cuộc sống vợ chồng (ở nước ngoài có một số trường hợp đã đưa nhau ra tòa ly dị chỉ vì nguyên nhân ngáy ngủ). Tuy nhiên, nguy hại thực sự và đáng lo ngại lại thuộc về bệnh nhân.

Những tác hại mà bệnh nhân ngáy ngủ không ngờ tới là khi tỉnh dậy vào buổi sáng, người ngủ ngáy cảm thấy vẫn còn buồn ngủ và thiếu tỉnh táo do giấc ngủ không sâu hay bị thức giấc khiến máu không cung cấp đủ cho não bộ, thật nguy hiểm khi họ điều khiển xe cộ đi làm việc trong trạng thái này.

Ngoài ra, bệnh ngáy ngủ còn dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các chứng bệnh khác như huyết áp cao, suy giảm khả năng tình dục, bệnh nhồi máu cơ tim, tim loạn nhịp hoặc bệnh đột tử trong khi ngủ…

Phác đồ trị bệnh ngáy ngủ

Có nhiều cách trị liệu triệu chứng ngáy ngủ, trong đó thông dụng nhất được áp dụng ở các gia đình là khi có người “kéo bễ”, người nhà thường giúp “đương sự” thay đổi tư thế ngủ từ nằm ngửa chuyển sang nằm nghiêng.

Tuy nhiên, đối với những người ngáy ngủ ở mọi tư thế (cấp độ nặng), có phác đồ điều trị được các thầy thuốc khuyên dùng như cho bệnh nhân thở ô xy trong khi ngủ. Cách này có tác dụng gần 100% nhưng bất tiện khi bệnh nhân đang di chuyển trên đường hoặc ở nơi tạm trú.

Gần đây y học chú trọng điều trị bệnh ngáy ngủ bằng cách cải thiện sức khỏe của cơ thể bệnh nhân như phác đồ giảm cân, giảm uống rượu bia, cai hút thuốc lá…Trong trường hợp không có kết quả, bệnh nhân có thể được tiến hành giải phẫu mở rộng đường họng, chích cuống họng, cuống lưỡi, cắt amiđan để tăng cường lưu thông đường hô hấp. Phương pháp này thường làm bệnh nhân đau và vết mổ lâu lành.

Phác đồ trị bệnh ngáy ngủ mới nhất theo công nghệ của các nước Đức, Mỹ và bắt đầu được du nhập vào một số nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan … gọi là “Phác đồ Pillar”. Đây là phác đồ trị bệnh tiện lợi, nhanh chóng, ít đau đớn và khá hiệu quả.

Bác sỹ sẽ cấy vào cùng một vùng trên hàm ếch (trong miệng) 3 sợi chỉ que có độ cứng và dài khoảng hơn 1 cm (được làm từ chất liệu dùng để khâu thành mạch tim nên khi đưa vào cơ thể không gây phản ứng phụ). Việc ghim 3 “que chỉ” này giúp cho hàm ếch căng và cứng hơn, giảm được độ rung khiến bệnh nhân dễ hít thở hơn và không phát ra tiếng ngáy trong khi ngủ.

Khi áp dụng phác đồ pillar, bệnh nhân chỉ đau nhẹ và trong 2-3 ngày là khỏi và phác đồ này có thể áp dụng đối với mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính. Tuy nhiên, chi phí cho một ca trị bệnh ngáy ngủ kiểu này còn tương đối cao, khoảng 650 – 1.000 USD.

Tác giả bài viết: Tống Thanh Sơn

Bài trướcBệnh thoát vị đĩa đệm cột sống
Bài tiếp theoBệnh Gan nhiễm mỡ

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.