Prolactin là gì
Prolactin là một hormon tuyến yên cần thiết cho tiết sữa, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến trục hạ đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục- Prolactin được phát hiện năm 1928 (Strieker) và được tinh chế năm 1971 (Lewis).
Khối lượng các tế bào hướng tiết sữa chiếm 10-25% của tuyến yên, nhưng tăng lên 70% lúc thai kỳ-Gene chi phối prolactin nằm trên nhiễm sắc thể thứ sáu, và mã hóa cho một phân tử tiền thân của prolactin. Ở dạng bình thường prolactin trưởng thành là một dạng monomer gồm một chuỗi 199 acid amin, nối với nhau bằng 3 cầu disulfur, có trọng lượng phân tử 23.000 dalton. Nhưng có loại polimer với trọng lượng phân tử trên 100.000 dalton, ở bệnh nhân bình thường và đặc biệt khi có u tuyến yên. Ở trạng thái bình thường, tuyến yên chứa 100 microgam prolactin.
Prolactin cần thiết cho tiết sữa và các thụ thể của prolactin được tìm thấy ở tuyến vú và buồng trứng ở nữ giới. Ở các động vật như loài gặm nhấm, có thể tìm thấy các thụ thể prolactin ở nhiều cơ quan khác và có thể nguyên nhân khởi động ung thư vú- Hiện nay chưa thấy sự liên hệ này trên người. Nồng độ prolactin trong huyết thanh là 1-20microgram/L ở nam giới và 1-25 microgram/L ở nữ giới.
Trong lúc thai kỳ, nhau thai sản xuất ngày càng nhiều estrogen, gây tăng số lượng các tế bào hướng tiết sữa và tuyến yên phát triển tăng thể tích gấp đôi so với lúc bình thường- Sản xuất prolactin lúc thai kỳ là để chuẩn bị cho tuyến vú tiết sữa- Tuy nhiên estradiol ức chế prolactin tại tuyến vú để tiết sữa chỉ có thể thực hiện được sau khi sinh, tức là lúc nồng độ estradiol giảm xuống đột ngột.
Đối với thai nhi, tuyến yên đã sản xuất prolactin từ tuần thứ năm của thai kỳ với lượng nhỏ cho đến tuần thứ 25. Sau đó nồng độ prolactin trong máu thai nhi tăng nhanh và đạt 150 microgam/L trước khi sinh, do ảnh hưởng của estrogen của mẹ. Khác với prolactin trong máu của thai nhi sản xuất, một lượng lớn gấp trăm lần prolactin được tìm thấy trong nước ối, do các tế bào màng rụng (decidual cells) tiết ra. Prolactin của tế bào màng rụng giống prolactin do tuyến yên sản xuất, tuy có thiếu 4 nucleotid. Vai trò sinh lý của prolactin của các tế bào màng rụng chưa được rõ (Goodwin, 1990).
Prolactin được phóng thích từng đợt vào khoảng 14 nhịp phóng mỗi ngày, cách nhau chừng 95 phút (Van Cauter, 1981). Nồng độ prolactin thấp nhất vào buổi trưa và tăng dần vào buổi chiều. Lúc bắt đầu ngủ nồng độ tăng thêm và đạt đỉnh cao từ nửa đêm đến sáng. Theo dõi hiện tượng mất ngủ và tình trạng hẫng hụt sau khi đi máy bay trong nhiều giờ, người ta thấy prolactin có vai trò điều hòa sinh học trong ngày.
Prolactin được điều hòa nhờ các tác nhân ức chế prolactin và các chất giải phóng
- Vai trò ức chế prolactin do dopamin của hạ đồi.
Duy nhất trong các hormon của tuyến yên, prolactin được kích thích khi không chịu ảnh hưởng của hạ đồi. Ngược lại dịch chiết xuất từ hạ đồi lại ức chế prolactin. Trên các nhận định đó, người ta phát hiện chính là dopamin là chất ức chế mạnh nhất đối với prolactin. Dopamin được tổng hợp tại nhân cung và được chuyển vận đến lồi giữa của hạ đồi, đi theo hệ thống của hạ đồi tuyến yên đi vào thùy trước để ức chế prolactin. Trên lâm sàng, khi tiêm vào mạch máu dopamin hay cho uống levodopa, một tiền thân của dopamin, hay bromocriptin, một chất tương tự dopamin thì prolactin bị ức chế- Nếu nồng độ prolactin máu tăng, dopamin của hạ đồi sẽ bị kích thích để ức chế prolactin theo cơ chế ngược ngắn. Dopamin ngăn cản mọi hình thái chế tiết prolactin- Thông qua các thụ thể riêng biệt, dopamin ức chế sự giải phóng và tổng hợp prolactin, ngăn cản phân chia tế bào và làm biến mất prolactin được tích trữ theo cơ chế tự tiêu hủy hormon đã sản xuất (Crinophagy) (Cronin, 1982). Dopamin ức chế sự hình thành AMP vòng, tổng hợp phosphoinositol, quay vòng phospholipid và giải phóng acid arachidonic. Vì vậy, người ta chỉ sử dụng một chất tương tự như như dopamin là bromocriptin để điều trị tăng prolactin máu, đặc biệt trong các khối u tăng prolactin (prolactinoma). Các chất ức chế prolactin khác, như acid gama aminobutiric, có tác động rất ít so với dopamin.
- Các tác nhản giải phóng prolactin
Được chú ý nhiều nhất là chất peptid ruột dãn mạch (vasoactive intestinal peptide, VIP) và hormon giải phóng thyrotropin (thyrotropin-releasing hormon, TRH).
Lúc trẻ bú, VIP kích thích giải phóng prolactin. Chất serotonin cũng giúp giải phóng prolactin, vì methylsergid, một chất đối kháng serotonin làm giảm prolactin. Tương tự như vậy một liều nhỏ TRH đủ để kích thích hormon thyrotropin (TSH) thì cũng đủ để kích thích tiết prolactin. Tuy nhiên sự kiểm soát chế tiết TSH và prolactin khác nhau. Tiết sữa không làm tăng TSH và thiểu năng tuyến giáp ít khi liên quan đến tăng prolactin.
Các trung tâm ở hạ đồi gây tăng prolactin lúc ngủ. Stress thường do các endorphin tạo nên cũng làm tăng prolactin, cũng như morphin mà người nghiện sử dụng gây rối loạn sinh dục do tăng prolactin.
Vai trò của prolactin trong sinh sản
- Tăng prolactin
Một rối loạn bệnh lý hay gặp là tăng prolactin, thường kèm theo thiểu năng sinh dục và tiết sữa ngoài thời kỳ hậu sản. Nguyên nhân thường gặp là do u tuyến yên, giảm tiết dopamin, suy thận. Ở nam giới tăng prolactin gây bất lực (8%) và mất khả năng sinh sản (5%). Nồng độ FSH, LH, testosteron trong máu giảm.
Ở nữ giới, 10-40% trường hợp vô kinh là do tăng prolactin máu và 30-35% phụ nữ vô kinh và tiết sữa ngoài thời kỳ hậu sản là do có u tiết prolactin- về phương diện bệnh lý, các u tuyến yên hay gặp- Theo thống kê, có 15-25% u nhỏ tuyến yên được phát hiện trong giải phẫu tử thi- 40% các u này tiết prolactin. Các u nhỏ tiết prolactin hay gặp ở phụ nữ, ở nam giới, thường thấy các u tiết prolactin to. Các u tuyến yên tiết prolactin hay gây rối loạn kinh nguyệt, vô kinh và tiết sữa ở bệnh nhân nữ- Các bệnh nhân nam thường có rối loạn tình dục-Việc điều trị các u nhỏ bằng bromocriptin có thể đem lại kết quả tốt, như kinh nguyệt trở lại và có thể có thai. Các loại u tuyến yên to thường được phẫu thuật. Phẫu thuật qua xương bướm có kết quả tốt và hạ tỷ lệ biến chứng và tử vong.
- Thiểu năng prolactin
Sau khi sinh hiện tượng tắc sữa nguyên phát có thể do thiểu năng prolactin, do tổn thương tuyến yên. Trong thai kỳ các tế bào hướng tiết sữa phì đại và tăng sản mạnh nhưng ít được tưới máu, vì nằm ở thành bên của tuyến yên. Người ta có thể thấy xuất hiện hoại tử, nếu có tụt huyết áp, do chảy máu nặng, sốc sau đẻ. Hiện tượng hoại tử tuyến yên do nguyên nhân tự miễn cũng có thể gặp vào cuối thai kỳ.