Cách Chăm sóc cho trẻ bị bại não

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ khỏe mạnh đã là một công việc cần nhiều thời gian, công sức và tình cảm; nhưng với trẻ bại não thì còn thêm bội phần khó khăn, vất vả. Bởi ở trẻ bại não thì bản năng ăn, uống đã bị suy giảm hoặc mất hoàn toàn. Nên thường gặp là trẻ dễ bị lãng quên, không được cho ăn uống tốt. Dinh dưỡng của trẻ là thức ăn loãng và ít hơn, không đủ về số lượng và chất lượng, hậu quả là trẻ bại não dễ bị suy dinh dưỡng hơn trẻ bình thường. Để giảm thiểu những vất vả và khó khăn cho các bà mẹ không may có con bị bại não trong vấn đề chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, chúng tôi xin có một số hướng dẫn sau.

Các nguyên nhân gây khó khăn trong ăn uống của trẻ bại não

Do cử động môi của trẻ khó khăn, khả năng mím, mút, mở rộng bị hạn chế

Do các cơ mặt của trẻ bị liệt, thường gây cứng hàm nên khó nhai, khó há miệng, khó giữ được thức ăn ở trong khoang miệng để nhai mà dễ rơi ra ngoài hoặc sâu vào trong họng.

Do lưỡi của trẻ bị liệt, thường bị co rút ngắn hoặc bị đẩy dài ra ngoài nên khó nuốt, khó trộn thức ăn khi nhai

Do vòm hầu của trẻ bị tổn thương, khả năng kết hợp nhịp nhàng giữa nuốt và thở kém nên dễ sặc dễ nôn

Dinh dưỡng cho trẻ bại não

Các thức ăn vẫn cần đầy đủ như với trẻ khỏe mạnh cùng lứa tuổi. Trẻ dưới 6 tháng tuổi thì sữa mẹ vẫn là thức ăn tốt nhất. Người mẹ có con bị bại não dễ bị mất sữa do trẻ bú kém hoặc không bú. Nên cần tăng cường cho con bú khi có thể, cần ăn đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc thì mới duy trì được lượng sữa cho con. Trẻ lớn hơn cần ăn đủ 4 nhóm dưỡng chất: bột đường, đạm, chất béo, rau và trái cây.

Tránh một số sai lầm khi chọn dinh dưỡng cho trẻ bại não là kiêng ăn thịt bò, kiêng ăn tôm, kiêng ăn chuối …vì sợ trẻ bị co gân.

Nên lựa chọn loại thức ăn và các hình thức chế biến phù hợp với khả năng ăn uống của trẻ. Trẻ có khả năng ăn được các thức ăn đặc thì nên cho trẻ ăn cùng thức ăn của gia đình. Cho trẻ cầm miếng thức ăn cứng để tập cắn, gặm, khuyến khích động tác nhai nuốt để trẻ tập vận động môi, lưỡi tốt hơn, cũng góp phần phát triển ngôn ngữ sau này của trẻ

Trẻ không ăn được các thức ăn đặc thì nên xay các thức ăn thành bột lỏng để trẻ ăn dễ dàng. Theo năm tháng và khả năng của trẻ sẽ tăng dần độ đặc của thức ăn lên.

Số lượng bữa ăn của trẻ bại não cần chia nhỏ thành nhiều bữa hơn so với trẻ bình thường. Giữa các bữa ăn chính cần cho trẻ ăn thêm các bữa phụ. Có một số trẻ bị mập lên thì không nên cho trẻ ăn quá nhiều, hãy giảm thức ăn béo và ngọt lại .

Kỹ thuật chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bại não

Chính vì trẻ bại não kém kiểm soát được môi, lưỡi, đầu và cơ thể, phối hợp chân tay và mắt kém, không cầm nắm được thức ăn đưa vào miệng, ngay cả việc bú và uống cũng khó khăn, nên các bà mẹ cần giúp trẻ tập bú, ăn, uống sao cho có hiệu quả hơn.

Tư thế cho trẻ ăn, uống, bú đúng cách như sau:

Với trẻ còn bú thì người mẹ ngồi ôm con sao cho có một tư thế thoải mái để trẻ ngậm đúng đầu vú mẹ một cách dễ dàng.

Với trẻ ăn thức ăn từ thìa thì trẻ cần được ở tư thế nửa ngồi, nửa nằm.

Trẻ ngồi được có thể sử dụng xe lăn có dây buộc, có mặt bàn để giữ trẻ

Không nên cho trẻ ăn, uống, bú ở tư thế nằm ngửa hoặc ngồi mà đầu ngửa ra sau vì khó nuốt và rất dễ bị sặc. Không nên đổ thức ăn vào sâu trong họng trẻ mà nên dùng thìa đổ từng ít thức ăn một vào đầu lưỡi trẻ, khi trẻ nuốt hết mới được đổ thìa tiếp theo.

Khi trẻ ăn, uống, bú xong không nên đặt trẻ nằm ngay xuống giường để phòng nôn và sặc

Có thể sử dụng một số dụng cụ trợ giúp để giúp trẻ ăn, uống, bú dễ dàng hơn như bình sữa có núm vú rộng miệng hơn, thìa có tay cầm bằng cao su để trẻ dễ cầm xúc hơn. Trẻ không uống được bằng cốc có thể đổ bằng từng thìa. Với trẻ bú còn khó khăn, người mẹ cần dùng tay nâng bầu vú đồng thời dùng ngón tay điều chỉnh lượng sữa vào miệng trẻ một cách thích hợp. Trẻ không bú được thì vắt sữa mẹ cho uống bằng thìa hoặc bú bình.

Với trẻ gặp khó khăn về nuốt, hay ngậm thức ăn hoặc đùn thức ăn, người mẹ cần biết giúp cho trẻ nuốt thức ăn bằng cách lấy tay giữ lấy xương hàm dưới và cằm của trẻ, nhẹ nhàng đẩy cằm lên cao cho trẻ khép miệng lại, đồng thời một ngón tay vuốt nhẹ từ cằm xuống cổ để kích thích phản xạ nhai nuốt của trẻ. Tuyệt đối không được bịt mũi trẻ hoặc đưa sâu thìa thức ăn vào trong họng của trẻ để kích thích trẻ nuốt vì dễ gây sặc rất nguy hiểm

Thạc sĩ Dương Văn Tâm

Phó trưởng khoa Nhi Bệnh viện châm cứu Trung ương

Bài trướcBảng theo dõi chiều cao cân nặng của trẻ, bé trai và gái
Bài tiếp theoChăm sóc trẻ mới đẻ trong 6 tuần

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.