Bác sĩ, cái nghề quá bạc bẽo

Với bất kỳ ai đã, đang theo con đường y khoa đều hiểu rằng đó là một con đường vô cùng gian nan, vất vả. Nhưng liệu người ngoài cuộc có hiểu thông cảm và chia sẻ không? Còn phụ thuộc vào độ hên xui.

Đầu tuyển vào thì cực kỳ gắt gao, vào rồi thì 6 năm miệt mài, không có một chút thời gian để giao lưu gặp gỡ bạn bè. Gia đình khó khăn thì khó có thể hoàn thành khóa học đúng thời hạn vì phải cày làm thêm. Năm hai đã bắt đầu tiếp xúc với xác chết và bắt đầu những buổi sáng đi lâm sàng – chiều học lý thuyết rồi thứ 7, chủ nhật phải trực trong bệnh viện.

Thi vào và học thì cực trăm bề như vậy. Nhưng ngày ra trường chưa chắc đã xin được việc. Nếu làm ở tuyến quận hay phòng khám nhỏ lẻ thì biết bao giờ mới lên được tay nghề, còn muốn làm ở những bệnh viện lớn thì đâu phải dễ. Ngành Y là một ngành đòi hỏi sự cống hiến lâu dài thì mới có cơ hội kiếm được tiền để có thể lo được cho gia đình. Bởi vậy, trước đây có rất nhiều bác sĩ phải bỏ nghề để chạy theo một ngành rất ư là thời thượng, có thể kiếm được tiền tức thời đó chính là “trình dược viên”.

Với tấm bằng bác sĩ trên tay mà không được gọt dũa, không được đào tạo thực tế thường xuyên thì sau một thời gian thì coi như từ bác sĩ xuống từ từ thành y sĩ, rồi nó lại dốc không phanh cho đến y tá. Coi như đi đứt cái bằng, chất xám, tiền bạc của gia đình, của nhà nước.

Cực khổ là vậy mà ngành Y chỉ có đúng một ngày được xã hội, báo chí vinh danh. Học ngành Y phải đánh đổi rất nhiều thứ: thời gian – tuổi trẻ, tiền bạc, cơ hội. Đánh đổi nhiều vậy nhưng chẳng nhận được bao nhiêu. Nhiều người đâu biết được trong quá trình cống hiến, bác sĩ phải đối mặt với biết bao nhiêu cực khổ, áp lực, hy sinh, đánh đổi. Áp lực từ cấp trên truyền xuống, từ bệnh nhân truyền lên, từ gia đình, rồi từ đạo đức nghề nghiệp. Rồi nhiều người thấy người ta trách mình cũng trách, thấy người ta chê mình cũng chê mà không cần biết lý do.

Ngành Y là một ngành rất thường xuyên không có được giấc ngủ ngon, khó có được bữa cơm đầm ấm bên gia đình, dễ gặp nhiều sự rủi ro trong nghề nghiệp, và lại đối mặt với chất thải y tế mà người bệnh mang lại.

Một bác sĩ kể rằng, vừa xong ca trực về nhà, vừa tắm xong ngồi vào bàn ăn, bưng chén cơm thì điện thoại từ bệnh viện phải lên gấp để thực hiện ca mổ. Bệnh nhân bị thủng ruột già nhìn rất ghê. Rồi anh kể rằng, làm ở một bệnh viện hàng đầu ở Hà Nội nhưng vì ca này không thể chữa được dẫn đến bệnh nhân ra đi. Anh không chỉ bị ám ảnh vì thất bại mà còn bởi sự soi mói của người nhà bệnh nhân, dư luận xã hội, từ những đồng nghiệp lẫn nhau. Và anh quyết định ra đi, từ bỏ nghiệp bác sĩ về quê làm vườn …

Ngành Y không như những ngành kinh tế, người của công chúng. Bác sĩ phải dành rất nhiều thời gian cho bệnh viện, cho việc học tập kiến thức y khoa không ngừng. Sáng mở mắt ra là thấy bệnh viên, chiều nhắm mắt lại là thấy bệnh nhân. Không còn một chút thời gian cho bản thân, cho những mối quan hệ, cho những buổi giao lưu.

Ở Tây, mỗi một buổi sáng chỉ khám đươc khoảng từ 10 – 20 người là xong, còn ta thì mỗi buổi sáng khám cả trăm bệnh nhân. Bởi vậy bác sĩ ở ta hầu như đều thiếu kỹ năng giao tiếp sao cho trau chuốt, nói sao cho không mất lòng một ai. Mà bác sĩ dành nhiều thời gian cho việc học cách khéo mồm – khéo miệng thì lại không có thời gian cho việc tu bổ kiến thức bệnh học. Bởi vậy rất ư là nghịch lý.

Đời bác sĩ dành nhiều thời gian cho gia đình thì có lỗi với nhân loại. Mà dành nhiều thời gian cho nhân loại thì lại có lỗi với gia đình. Sao cũng có tội.

Ngày 27/2 chúc những người bạn, người anh, người chị … cân bằng được cuộc sống, được nhiều sức khỏe để mãi chiến đấu, nhận được nhiều lời cảm ơn từ bệnh nhân. Đó là những lời cảm ơn trân trọng và chân thành nhất. Và đó cũng chính là niềm vui nhất, là động lực nhất để có thể tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến, tiếp tục học tập. Và thấy đời bỗng vui khi sống hết mình cho cái nghiệp mà đã theo đuổi.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.