Một số các bà mẹ tưởng rằng cho con bú mẹ làm hư bầu vú mẹ, tuy nhiên việc cho con bú mẹ 100% trực tiếp, chăm sóc bầu vú mẹ đúng cách không những không làm bầu vú mẹ chảy xệ, mà còn có thể giúp bầu vú phát triển hoàn chỉnh, hấp dẫn và cân đối hơn (ngay cả bầu vú không cân đối khi cho con bú, khi cai sữa cũng vẫn phục hồi được).
Bầu vú thay đổi hình dạng theo tuổi tác cho dù bà mẹ còn sinh đẻ và có cho con bú hay không, do các yếu tố liên quan đến hình dạng bầu vú cũng thay đổi theo gene và theo thời gian, như độ đàn hồi của da theo tuổi tác, trọng lượng của bầu vú, lượng mỡ trong cơ thể, số lần mang thai (cho dù có cho con bú hay không).
ít có ai biết được rằng nguy cơ có bầu vú mất cân đối, chảy xệ, nhăn nheo, biến chứng bên trong và bên ngoài bầu vú… nhưng lại là tỉ lệ rất thấp ở bà mẹ cho con bú hoàn toàn và chăm sóc đúng cách. Bộ y tế Mỹ có một tài liệu tuyên truyền (Complications of Breast Implants) chi tiết dày 6 trang để các cơ sở thẩm mỹ cung cấp cho khách hàng muốn nâng ngực hiểu rõ rủi ro và những biến chứng ở bầu ngực của việc phẫu thuật này.
Những nguyên nhân khiến bầu vú bị teo nhỏ, nhão, chảy xệ
Cho con bú mẹ không phải là nguyên nhân, mà là chăm sóc bầu vú không đúng cách, gây tổn thương các cấu trúc nâng đỡ bầu vú từ những tác động tai hại như: massage quá mạnh, quá nhiều, “nhào nặn bầu vú”, “nhồi vú”, bơm hút quá nhiều. quá mạnh, quá lâu, tư thế bú không đúng cách, không mặc áo ngực hoặc mặc áo ngực không đúng cách, giây áo không đủ lực nâng đỡ bầu vú trong thai kỳ và trong thời gian cho con bú.
Không cho con bú (cũng là cai sữa đột ngột, vì tuyến vú đã phát triển hoàn chỉnh từ trong thai kỳ và trong bầu vú đã có sữa non từ tuần 16 – 20) khiến bầu vú thu hồi rất nhanh, nhiều trường hợp bầu vú thu về nhỏ hơn bầu ngực trước khi có thai.
Cai sữa đột ngột khi đang nuôi con bú mẹ khiến bầu vú hồi “bất thường”, tốc độ thu hồi của tuyến vú và của các bộ phận khác không đồng bộ, khiến bầu vú càng dễ mềm nhão và chảy xệ hơn.
Ngoài ra, thường các bà mẹ để ý đến việc giảm mỡ bụng nhanh ngay sau khi cai sữa, mà không để ý đến tác động của việc giảm cân nhanh đối với bầu vú đang “thoái phát” do cai sữa. Tác động đôi của phương pháp giảm cân ngay sau khi cai sữa và việc “thoái phát” của tuyến sữa đồng thời rất tai hại, góp phần chính vào việc làm bầu vú bị giảm mô mỡ co tuyến vú, trong khi da của bầu vú không đàn hồi và thu gọn theo kịp khiến bầu vú chảy xệ nhanh hơn.
Cho con bú lâu dài, chăm sóc bầu vú đúng cách và cai sữa từ từ giúp bầu vú trở về kích thước gần với trước khi mang thai, và có thể đầy đặn, mịn màng hơn.
Bầu vú mẹ cần được chăm sóc đúng cách từ thai kỳ, cho con bú và dinh dưỡng đúng, được nâng đỡ bởi áo ngực phù hợp, phương pháp cai sữa tự nhiên. Nhờ chăm chút bầu vú cho con bú mẹ, đầu vú thụt được khôi phục, da đầu vú và quầng vú được chăm sóc mịn và mềm hơn, làn da bầu vú được massage đều đặn cũng mịn màng hơn.
Cho con bú lâu dài, đúng cách massage và chăm sóc bầu vú nhẹ nhàng và đều đặn giúp làn da giữ được độ đàn hồi lâu dài hơn, cơ cấu nâng đỡ được tôn trọng và “bảo quản” tốt và được hỗ trợ bởi loại áo ngực cho con bú phù hợp , giúp bầu vú giữ được cấu trúc. Dinh dưỡng giàu vitamin giúp bầu vú mạnh khỏe trong suốt thai kỳ, trong quá trình nuôi con bú mẹ và cai sữa.
Tác nhân quan trọng nhất góp phần gìn giữ hình dáng và độ đầy của bầu vú mẹ là cách cai sữa khoa học. Cai sữa từ từ (giảm cữ bú dần dần trong ít nhất 3 tháng) và dinh dưỡng giàu vitamin cần thiết cho bầu vú như vitamin E, vitamin A, giúp các cấu trúc khác nhau này có thời gian để co lại, đồng thời với sự thu hồi của tuyến sữa trong bầu vú. Ngoài ra, các mẹ hãy thử một ngày vắt vài giọt sữa mẹ để massage đầu vú, quầng vú và bầu vú trong suốt thời gian cho con bú và cai sữa, có thể tiếp tục ít nhất 3 – 6 tháng sau khi cai sữa hoàn toàn, để bầu vú thích ứng với sự thu nhỏ của tuyến vú tự nhiên nhất.