Những bệnh lý cơn động kinh, không phải là sản giật chiếm xấp xỉ 1/700 những trường hợp thai nghén . Nhiều công trình nghiên cứu đã hướng vào ảnh hưởng của thai nghén trên tần số những cơn động kinh . Những kết quả đã tỏ ra mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, hình như xấp xỉ 50% những bệnh nhân không có những thay đổi đáng kể về tần số những cơn động kinh. 25% đến 40% bệnh nhân có thai được báo cáo là có tăng hoạt động cơn động kinh . Những bệnh nhân còn lại thì có giảm. ít nhất có một công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng không tăng về độ nặng những cơn động kinh xảy ra trong lúc có thai.

Mặc dù sẩy thai tự nhiên và đẻ non tháng không tăng ở bệnh nhân động kinh nhưng có một sự tăng nhẹ về tỷ lệ chết khi sinh. Có thể giải thích một phần sự tăng này là do những bệnh nhân có trạng thái động kinh với ngừng thở kéo dài gây giảm oxy không khí thở vào và nhiễm toan. Tỷ lệ của tiền sản giật không cao hơn trong số những phụ nữ động kinh nhưng điều quan trọng là phải phân biệt giữa sản giật với những cơn động kinh không do sản giật trong quý ba hoặc trong thời kỳ sau đẻ ở bệnh nhân động kinh.

Một ảnh hưởng lớn của những rối loạn động kinh trên thai nghén xuất phát từ những ảnh hưởng của sự sử dụng thuốc chống co giật. Còn tồn tại nhiều bất đồng về sử dụng thuốc chống co giật trong lúc có thai. Trimethadion và acid valproic có chống chỉ định trong lúc có thai do nguy cơ cao tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến thai nhi . Phenytoin có nguy cơ tương đối về sinh ung thư, sinh quái thai và bệnh đông máu . Carbamazepin, mặc dù lúc đầu được nghĩ là tương đối an toàn trong thai nghén, có liên quan với những khuyết tật sọ mặt và dị tật ống thần kinh . Phenobarbital thì phối hợp với khả năng sinh quái thai, trầm cảm cho sơ sinh và bệnh đông máu . Cũng nên ghi nhận rằng có khoảng 10% người có thai được sử dụng thuốc chống động kinh có biến chứng chảy máu ở người mẹ hoặc đứa trẻ sơ sinh . Thiếu những yếu tố đông máu phụ thuộc vào Vitamin K đã từng phối hợp một cách đặc biệt với phenytoin, primadon, và các barbiturat. Hiện tượng này đã dẫn đến lời khuyên là uống Vitamin K cho tất cả những bà mẹ dùng những thuốc chống co giật trong tháng cuối cùng của thai nghén cũng như sử dụng tiêm bắp cho trẻ sơ sinh . Tiếc thay, những thuốc chống co giật mới hơn không được chứng minh là an toàn hơn chút nào vào lúc có thai so với những thuốc được bàn luận ở trên.

Để tóm tắt, những phụ nữ bị động kinh đang có thai phải được thông báo rằng họ có những nguy cơ về những biến chứng lớn hơn so với những bệnh nhân không động kinh mặc dù khoảng 90% phụ nữ bị động kinh có thể có thai nghén bình thường . Những bệnh nhân này nên được tư vấn trước lúc thụ thai về vấn đề bổ sung vitamin và sử dụng thuốc chống co giật. Vì không có những thuốc nào được sử dụng là hoàn toàn an toàn, mỗi bệnh nhân cần được tư vấn về những nguy cơ của nó. Một cách lý tưởng, việc sử dụng thuốc chống động kinh nên được điều chỉnh trong thời kỳ trước thụ thai. Sự lựa chọn sử dụng thuốc chống động kinh trong lúc có thai phải được tư vấn bởi nhà thần kinh học hoặc một nhà chuyên khoa về sử dụng thuốc cho người mẹ và thai.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.