Bí mật về đại mỹ nhân Tây Thi
Tương truyền, một nữ cao thủ ở thanh lâu còn dạy cho Tây Thi những bí thuật phòng the từng làm khuynh đảo vua tôi nước Tần của Hạ Cơ.
Tây Thi được coi là người đẹp trầm ngư tức cá lặn. Giai thoại nói rằng khi Tây Thi đi giặt vải tại sông Trữ La thì bóng nàng soi dưới đáy nước, cá trong suối thấy bóng Tây Thi đẹp quá nên lặn xuống tìm (có giả thuyết nói rằng cá ngừng bơi để ngắm Tây Thi nên chìm dần xuống đáy) nên nàng được gọi là trầm ngư mỹ nhân.
Tuyển mỹ nhân cho trọng sự quốc gia
Năm 495 trước CN, quân Ngô đánh bại quân Việt khiến Việt vương Câu Tiễn phải đầu hàng và bị bắt sang Ngô làm tù binh. Ba năm sau, Câu Tiễn được thả về nước làm vua trong sự giám sát chặt chẽ của nước Ngô. Trong khoảng thời gian sau đó, nước Việt phải rất nỗ lực để giành thiện cảm với Ngô vương Phù Sai nhằm tránh họa diệt quốc.
Bên cạnh việc triều cống vàng bạc châu báu, nước Việt đã cống nạp cho Ngô vương các mỹ nữ. Thật ra, chuyện triều cống ngoài mặt là tỏ ý thần phục nhưng bên trong chứa một loạt mưu kế của người nước Việt. Việc cống châu báu là để Phù Sai lao vào ăn chơi hưởng lạc, việc cống mỹ nữ là để cho Phù Sai đắm chìm trong tửu sắc. Một khi Phù Sai không còn là minh quân thì cơ hội phục thù của người Việt sẽ tăng thêm.
Ngoài ra, nước Việt còn muốn tận dụng các mỹ nữ để gài một vài gián điệp ngay trong long sang của Phù Sai. Đó chính là mỹ nhân kế đã đi vào huyền thoại của lịch sử Trung Hoa.
Công việc tuyển chọn mỹ nữ được coi là việc làm trọng đại của nước Việt khi đó. Nổi bật trong hàng mỹ nữ đó là Tây Thi và cô được tuyển vào danh sách hơn 10 mỹ nhân được chọn sang Ngô. Tây Thi không chỉ là người có sắc đẹp kiêu sa, múa hay hát giỏi mà còn có trí thông minh, học đâu nhớ đấy, cách nói chuyện quyến rũ người nghe.
Tây Thi
Theo Tây Thi truyện, thời điểm vào cung nước Việt, Tây Thi chỉ khoảng 14 tuổi, và cô đã lọt vào mắt xanh của quan đại phu Phạm Lãi. Phạm Lãi chính là người đề ra mưu mỹ nhân kế để phá hoại nước Ngô và ông có nhiệm vụ đào tạo Tây Thi trở thành một gián điệp thân cận Phù Sai. Phạm Lãi phải thường xuyên gặp gỡ riêng Tây Thi để đảm bảo yếu tố bí mật và dạy dỗ cho người đẹp trầm ngư cách để tiếp cận, chiếm lấy sự tin yêu của Phù Sai một khi đã vào cung Ngô.
Có giai thoại kể rằng trong các bài học dành riêng cho Tây Thi trong gần một năm được luyện ở cung có cả nghệ thuật phòng the nhằm để phục vụ cho việc làm Phù Sai mê mẩn. Những bài tập như vậy do các cung nữ giàu kinh nghiệm và cả những người có nghề trong thanh lâu được mời vào trong cung luyện.
Tương truyền rằng một nữ cao thủ ở thanh lâu còn dạy cho Tây Thi những bí thuật phòng the của Hạ Cơ từng làm khuynh đảo vua tôi nước Tần hơn 100 năm trước. Sử sách ghi rằng Hạ Cơ có thuật hoàn tân (sau khi quan hệ với nam nhân mà vẫn giữ được nét trinh của xử nữ) rồi lại có thuật “hấp tinh đại pháp” (càng quan hệ tình dục nhiều, càng trẻ khỏe ra). Không hiểu Tây Thi đã học được của nữ cao thủ này những gì nhưng về sau nàng độc chiếm chốn hậu cung của Phù Sai.
Tiếp xúc với những bài tập như vậy, Tây Thi không thể giữ được vẻ ngây thơ của cô gái dệt vải như khi mới vào cung. Tâm hồn nàng bắt đầu xáo động và có những giấc ngủ không yên vì ham muốn một vòng tay ấm áp hay một bờ vai mạnh mẽ. Không ngạc nhiên khi Tây Thi nảy sinh cảm tình với Phạm Lãi vì khoảng thời gian đó, chỉ duy nhất Phạm Lãi là nam nhân được tiếp xúc với các mỹ nữ trong đội cống Ngô. Phạm Lãi khi đó tuổi gần 30 mà lại nổi tiếng là người nho nhã, thông minh bậc nhất nước Việt.
Tiếp xúc với một cô gái như Tây Thi đã làm Phạm Lãi nảy sinh tình cảm. Tuy nhiên, cả hai người đều hiểu sứ mệnh lịch sử nên họ dù hiểu tình cảm của nhau nhưng không thể làm điều gì quá giới hạn. Thậm chí, nếu không vì tình yêu đặc biệt dành cho quan đại phu nước Việt thì chưa chắc Tây Thi đã chấp thuận sang Ngô như vật cống với sứ mệnh muôn vàn khó khăn, nguy hiểm cận kề.
Chính vì vậy, hậu thế cho rằng Tây Thi liều chết thi hành mỹ nhân kế vì nước Việt cũng do dính nam nhân kế của Phạm Lãi. Vì quá say đắm Phạm Lãi nên Tây Thi không ngại dầu sôi lửa bỏng nhảy vào nơi hang cọp, miệng hùm.
Hy sinh tuổi xuân cho sứ mệnh
Tây Thi một trong tứ đại mỹ nhân
Khi sang Ngô, Tây Thi được dâng cùng các mỹ nữ khác của nước Việt trong đoàn vũ công. Quả nhiên, sắc đẹp của nàng đã được Phù Sai để mắt và ân sủng người đẹp nước Việt.
Được Phù Sai ân sủng không phải là điều hay cho Tây Thi vì cô trở thành kẻ thù của đám hậu cung. Ngay cả trong đoàn vũ nữ của nước Việt dâng lên thì không phải ai cũng hài lòng khi thấy Tây Thi được sủng ái. Điều này cũng dễ hiểu vì trong đoàn vũ nữ của nước Việt chỉ có mình Tây Thi được giao mật kế chứ người khác chỉ yên phận múa hát thôi. Đã là mật kế thì chỉ ít người biết và riêng kế thâm sâu này thì ngoài vua nước Việt, Phạm Lãi và Tây Thi ra thì không người thứ tư nào biết. Chỉ cần kể lộ ra thì chẳng những Tây Thi mất đầu mà vua tôi nước Việt cũng diệt vong.
Tây Thi gần như chiến đấu đơn độc với từng cạm bẫy để đảm bảo không bị ám hại trong hậu cung của Phù Sai. Nhờ nhan sắc hơn người, trí thông minh và cả những bài tập quyến rũ đàn ông được tập trước từ cung nước Việt, Tây Thi đã dần chiếm được tình cảm của Phù Sai. Ban đầu Phù Sai chỉ coi Tây Thi như một cung nữ hạng khá trong cung nhưng mỗi lần gần nhau và phát hiện ra nàng có nhiều điều thật lạ và thật quyến rũ.
Riêng với Tây Thi, nàng làm cho Phù Sai vừa có cảm giác phá xử mỗi lần mà lại tỏ ra thuần thục nghề giường chiếu nên Phù Sai năng đến hơn. Sau này, Phù Sai nhận ra mỗi lần gần Tây Thi xong lại càng thấy si mê, thoải mái và không muốn dứt ra.
Tây Thi cho Phù Sai cảm giác hạnh phúc vô bờ bến khiến vua nước Ngô không thể dứt nàng ra được. Nhưng ngược lại, Phù Sai có khiến Tây Thi hạnh phúc không? Câu trả lời có lẽ là không. Sử sách không ghi rõ tên tuổi của Phù Sai nhưng rõ ràng thời điểm lên ngôi thì ông không còn trẻ vì ngay năm 504 trước CN, tức khi Tây Thi mới 2 tuổi thì Phù Sai đã từng được vua cha sai cầm quân đi đánh Sở.
Phải sống với một người đàn ông không có tình cảm, lớn hơn nhiều tuổi trong khi không than thở được cùng ai là nỗi khổ rất lớn của Tây Thi. Có lẽ hy vọng giúp nước Việt đánh bại nước Ngô và trở về bên Phạm Lãi đã giúp Tây Thi vượt qua giai đoạn chán chường khi đó.
Sách Giải mã chuyện phòng the của các hoàng đế Trung Hoa cũng viết: “Trong chuyện phòng the, rõ ràng chuyện chênh lệch tuổi tác cũng có thể làm mối quan hệ của Phù Sai và Tây Thi bị ảnh hưởng nặng nề. Phù Sai không đủ sức để Tây Thi thỏa mãn nên tạo nên ức chế nhiều cho Tây Thi. Do đó những lần gần nhau, phía nữ nhân không hạnh phúc và xác suất thụ thai cũng kém đi. Vì lý do đó, ở gần nhau rất lâu, rất được sủng ái mà Tây Thi không có con”.
Phù Sai cũng biết sức chinh chiến của mình không làm hài lòng Tây Thi nên ra sức tìm cách làm mỹ nhân vui bằng việc xây dựng lâu đài, tốn kém không biết bao nhiêu tài lực của nước Ngô. Cũng vì cảm thấy có lỗi với Tây Thi nên nhiều lần Tây Thi đề nghị các chính sách có lợi cho nước Việt như cho vay thóc, bớt triều cống đều được Phù Sai chấp thuận. Gần 20 năm bên cạnh Phù Sai, Tây Thi đã hy sinh tuổi xuân và hạnh phúc riêng tư để chiều chuộng Phù Sai mang lại rất nhiều lợi ích cho nước Việt.