PHÂN BIỆT U LÀNH VỚI U ÁC TÍNH
Sự phân biệt giữa một u lành tính và u ác tính có một ý nghĩa rất quan trọng. Sự phân biệt đó nhiều khi rất dễ với một số u nhỏ, tuy nhiên có những trường hợp rất khó, phải kết hợp chặt chẽ giữa thăm khám tỷ mỷ về lâm sàng và các phương pháp cận lâm sàng mới phân biệt được.
U lành tính
Lâm sàng
Phần lớn u phát triển chậm, có những u tồn tại lúc mới sinh (u máu). Có những u phát hiện được trong quá trình hình thành của cơ thể và cũng tồn tại lâu năm với bệnh nhân : bướu cổ đơn thuần, u bả, u mở, u xương lành tính …
U thường có mật độ mềm hoặc chắc.
Mật độ mềm: bướu giáp, u máu, u bả, u mỡ và các u phần mềm lành tính khác …
Mật độ chắc và đàn hồi: u xơ các loại như u xơ tuyến vú, u xơ tiền liệt tuyến, u
xơ tử cung.
Ranh giới thường rõ ràng, vì phần lớn đều có vỏ xơ bao bọc.
Thường di động dễ vì không xâm lấn vào các tổ chức kế cận và không di căn.
Nếu được cắt bỏ u không tái phát.
Về mặt tế bào học và tổ chức học
Về mặt tế bào học: U lành tính có sự tăng sinh của tế bào và tổ chức đệm xung quanh, nhưng không có sự đảo lộn cấu trúc của tế bào và sự thay đổi hình thái giữa các tế bào với nhau.
Về mặt tổ chức học : Trong u lành tính không có sự đảo lộn cấu trúc của tổ chức.
U ác tính
Lâm sàng
Khi có một u ác tính phát hiện trên lâm sàng, theo dõi tiến triển thấy u phát triển rất nhanh. Bình thường một khối u khi phát hiện được với đường kính 1cm3 (tương đương 1 tỷ tế bào) và phải mất khoảng 7-10 năm. Nhưng khi đã phát hiện được như vậy đôi khi phát triển đến giai đoạn toàn phát chỉ là một khoảng thời gian rất ngắn ví dụ ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư phổi …
Mật độ khối u thường rắn.
Bề mặt thường lổn nhổn, gồ ghề do sự phát triển không đều của u.
Ranh giới không rõ ràng, ít hoặc không di động do thường hay xâm lấn ra các tổ chức kế cận. Chính vì vậy mà không thể bóc u mà phải cắt bỏ u và rất dễ tái phát.
U ác tính thường di căn xa bằng ba con đường : xâm lấn kế cận, di căn theo bạch mạch và đường máu.
Về mặt tế bào học và tổ chức học
Xét nghiệm u ác tính về mặt tế bào học phải dựa vào 4 tiêu chuẩn :
Sự thay đổi của nhân.
Mối quan hệ của nhân và nguyên sinh chất.
Mối quan hệ giữa các tế bào với nhau.
Với một u ác tính, về phương diện tế bào học, có những sự biến đổi đặc trưng : quá sản, loạn sản, dị sản (tìm thấy các nhân quái, nhân chia) và bất thục sản (tức là không có sự phát triển đầy đủ các dòng tế bào từ non đến già mà chủ yếu chỉ thấy các tế bào non).
Về tổ chức học : thường có sự đảo lộn cấu trúc của tổ chức u ( tức là có sự xâm lấn của tổ chức ác tính và cấu trúc đệm xung quanh).