Chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp

A. Chẩn đoán xác định:

Chẩn đoán xác định dễ dàng khi có đầy đủ triệu chứng, nghĩa là phải ở giai đoạn muộn (III, IV), vấn đề cần đặt ra là cần chẩn đoán sớm để điều trị có nhiều kết quả. Hội thấp khớp Mỹ (American Rheumatism Association: ARA) đã đưa ra 1 tiêu chuẩn chẩn đoán, trước đây hầu hết các nước đều công nhận và sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán này, được gọi là tiêu chuẩn ARA 1958.

1.Tiêu chuẩn chẩn đoán ARA, gồm 11 điểm sau:

Có dấu hiệu cứng khớp vào buổi sáng.

Đau khi thăm khám hay khi vận động từ 1 khớp trở lên.

Sưng tối thiểu từ 1 khớp trở lên.

Sưng nhiều khớp thì khớp trước cách khớp sau dưới 3 tháng.

Sưng khớp có tính chất đối xứng 2 bên.

Có hạt dưới da.

Dấu hiệu X quang: dấu hiệu bào mòn đầu xương, hẹp khe.

Phản ứng Waaler – Rose, test Latex (+) (ít nhất làm 2 lần)

Lượng mucin giảm rõ rệt trong dịch khớp.

Sinh thiết màng hoạt dịch tìm thấy từ 3 tổn thương trở lên.

Sinh thiết hạt dưới da thấy tổn thương điển hình.

Chẩn đoán chắc chắn khi có từ 7 tiêu chuẩn trở lên và thời gian kéo dài trên 6 tuần.

Chẩn đoán nghi ngờ khi có 4 tiêu chuẩn và thời gian 4 tuần.

2.Các tiêu chuẩn chẩn đoán khác:

Tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội nghị quốc tế ở Nữu Ước 1966 đơn giản hơn, chỉ gồm 4 tiêu chuẩn, thường được dùng để điều tra dịch tễ học.

Tiêu chuẩn chẩn đoán của Viện thấp khớp Liên Xô 1978 cũng giống như tiêu chuẩn Nữu Ước nhưng chi tiết hơn.

Năm 1987 Hội thấp khớp Mỹ đề ra một tiêu chuẩn chẩn đoán mới gồm 7 điểm, hiện nay đang được áp dụng.

Dưới đây là 7 tiêu chuẩn chẩn đoán của ARA 1987:

1. Có dấu hiệu cứng khớp vào buổi sáng kéo dài trên 1 giờ.

2. Sưng đau kéo dài trên 6 tuần, tối thiểu 3 vị trí trong số 14 khớp: ngón tay gần, bàn ngón, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân (2 bên).

3. Sưng đau 1 trong 3 vị trí: khớp ngón tay gần, khớp bàn ngón, khớp cổ tay.

4. Sưng khớp đối xứng.

5. Có hạt dưới da

6. Phản ứng tìm yếu tố dạng thấp (+)

7. Hình ảnh X quang điển hình.

Chẩn đoán xác định khi có từ 4 tiêu chuẩn trở lên.

3.Trong điều kiện và đặc điểm Việt Nam: do thiếu các phương tiện (X quang, chọc dịch, sinh thiết … ), chẩn đoán xác định nên dựa vào các yếu tố sau:

Nữ, tuổi trung niên.

Viêm các khớp nhỏ ở hai bàn tay (cổ tay, bàn ngón và ngón gần), phối hợp với các khớp gối, cổ chân, khuỷu.

Đối xứng.

Có dấu hiệu cứng khớp vào buổi sáng.

Diễn biến kéo dài trên 2 tháng.

B. Chẩn đoán phân biệt:

1.Trong giai đoạn đầu: (khi chưa có dính khớp và biến dạng) cần phân biệt với:

Thấp khớp cấp: dựa vào tuổi, tính chất di chuyển …

Thấp khớp phản ứng: xuất hiện sau các bệnh nhiễm khuẩn, viêm khớp không đối xứng, không để lại di chứng.

Hội chứng Reiter: viêm khớp, niệu đạo và kết mạc mắt.

2.Trong giai đoạn sau:

Hội chứng Pierre – Marie: viêm nhiều khớp, có ngón tay và ngón chân dùi trống, nguyên nhân thường do u phế quản.

Biểu hiện khớp trong các bệnh tạo keo, nhất là bệnh Lupus ban đỏ hệ thống và xơ cứng bì. Phân biệt phải dựa vào các dấu hiệu toàn thân và nội tạng, nhiều khi rất khó.

Bệnh Gút: viêm nhiều khớp, nổi cục Tophi quanh khớp, acid uric máu tăng cao, chủ yếu gặp ở nam giới.

Bệnh viêm cột sống dính khớp: bệnh ở nam giới, viêm cột sống và các khớp lớn ở chân.

Thấp khớp vảy nến: viêm khớp kèm theo có vảy nến ở ngoài da.

Biểu hiện khớp của các bệnh tiêu hóa (viêm đại trực tràng chảy máu), bệnh thần kinh (bệnh Tabès), bệnh máu, ung thư … muốn phân biệt cần hỏi bệnh và thăm khám kỹ.

Thoái hóa khớp: đau mỏi là dấu hiệu chủ yếu, ít khi thấy sưng nóng đỏ.

Bài trướcBệnh thoát vị đĩa đệm cột sống
Bài tiếp theoBệnh Gan nhiễm mỡ

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.