Chế độ ăn cho bệnh viêm khớp dạng thấp

Lý luận Đông y

Viêm khớp dạng thấp là một loại bệnh Phong thấp thuộc phạm vi chứng Tý của y học cổ truyền. Bệnh biểu hiện rõ khi thời tiết thay đổi hoặc khí trời ẩm ướt. Phong và thấp là hai yếu tố gây bệnh luôn đi kèm với bệnh viêm khớp mãn tính.

Theo thuyết Ngũ hành, Tỳ Vị thuộc Thổ, Thổ khí là loại khí đối kháng với thấp khí. Nếu Tỳ Vị sung mãn sẽ giúp tiêu trừ thấp khí, tăng cường chuyển hóa và thúc đẩy khí huyết lưu thông. Khi “huyết hành, phong sẽ tự diệt”, những điểm ứ trệ khí huyết gây tê, đau cũng sẽ dần dần được giải tỏa.

Do đó, ngoài việc bổ Can Thận, sơ phong tán thấp thì việc kiện Tỳ, bổ khí là khâu chủ đạo trong phép chữa bệnh thấp khớp.

Tỳ Vị là cơ quan thu nạp và chuyển hoá thức ăn, Tỳ lại “chủ tứ chi và cơ nhục” nên chế độ ăn uống và vận động hợp lý có liên quan mật thiết đến thịnh suy của Tỳ. Dù có dùng thuốc hay không thì chế độ ăn uống và luyện tập thể lực luôn là yếu tố quyết định trong việc phòng ngừa và điều trị viêm khớp.

Theo đó, những vật thực cay, ấm, dễ tiêu và việc ăn uống tiết độ có thể phát huy Vị khí. Trái lại, “Tỳ ố thấp”, những thức ăn hàn, lạnh đình tích khó tiêu, dễ sinh thấp khí sẽ làm trệ Tỳ. Ngoài ra, việc ăn nhiều protein động vật dễ sinh ra nhiều chất cặn bã không được phân giải tốt, bám vào các tổ chức bị xơ hoá hoặc vôi hoá chung quanh khớp có thể làm nặng thêm tình trạng của bệnh.

Bên cạnh đó, chúng tôi thường khuyên bệnh nhân phải kiêng cữ một số vật thực được cho là có phong, hay sinh phong như thịt gà, bò, tôm, cá biển…

* Chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân Viêm khớp dạng thấp

Nếu bệnh đã diễn tiến nhiều năm, các khớp đã bị biến dạng, liệu pháp tự nhiên không thể phục hồi nguyên vẹn các khớp nhưng có thể giúp người bệnh giảm bớt đau đớn và không phải lệ thuộc vào những loại thuốc độc hại.

Giảm cân: Việc giảm cân nặng cơ thể sẽ giúp ích cho bệnh nhân Viêm khớp dạng thấp nếu có hiện tượng quá cân, giảm cân giúp giảm áp lực cơ thể lên các khớp ở chân, giảm sự phá hủy khớp, giúp giảm đau và giảm cứng khớp.

Glucose: Ăn đầy đủ các thức ăn giàu chất bột như cơm, mì, khoai củ để không bị thiếu dinh dưỡng. Nếu bệnh nhân Viêm khớp dạng thấp đang được dùng các loại thuốc có corticoid (cortison, prednisolon, medexa…), cần tránh các thức ăn có nhiều đường như bánh ngọt, chè…

Protein: Dùng 50 g thịt, 100 g đậu đỗ mỗi ngày. Có thể ăn 3-4 quả trứng/tuần (người có cholesterol máu cao cần giảm xuống 1-2 quả /tuần). Các loại thực phẩm giàu chất đạm như thịt cá, trứng, sữa, ngêu sò, tào phớ và đậu các loại… đều có lợi cho sức khỏe. Chú ý chỉ ăn thịt nạc bỏ da, không ăn phủ tạng. Nên thay bớt đạm động vật bằng đạm thực vật. Cần tăng cường uống sữa vì đây là nguồn cung cấp canxi quan trọng, rất tốt cho người bệnh khớp.

Lipid:

Một số nghiên cứu cho thấy chất béo bão hòa có thể làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể. Những thức ăn chứa lượng cao chất béo bão hòa là các sản phẩm động vật: thịt lợn hun khói, thịt bò, bơ… có thể làm tăng prostaglandin. Prostaglandin là chất gây ra viêm, đau, sưng và phá hủy khớp ở những người Viêm khớp dạng thấp.

Thêm vào đó, thịt động vật chứa lượng lớn acid arachidonic, một acid béo biến đổi thành hóa chất tiền viêm trong cơ thể. Một số người Viêm khớp dạng thấp khi dùng chế độ ăn chay sẽ giảm được triệu chứng đau và cứng khớp.

Bệnh nhân cũng không nên dùng quá 20 g dầu thực vật mỗi ngày. Nên sử dụng dầu lạc, dầu vừng…

Acid béo hệ Omega-3 có khả năng ngăn chặn phản ứng của hệ miễn dịch, giảm phản ứng trong viêm khớp, làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh. Omega-3 có nhiều trong các loại cá béo như: Cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, cá ngừ…

Một số công trình nghiên cứu khi cho bệnh nhân dùng những liều dầu cá từ 2-4g, thậm chí 5g/ngày, đã cho một số kết quả khá hứa hẹn: khớp bớt cứng và ít đau hơn.

Acid béo omega-6 là một loại dầu thực vật chứa acid linoleic. Nó tồn tại trong dầu bắp, dầu đậu nành, dầu hướng dương, mầm lúa mì, dầu mè. Tiêu thụ quá mức acid béo omega-6 có thể làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch và ung thư, nó cũng có thể kích thích phản ứng viêm hoặc bệnh tự miễn như Viêm khớp dạng thấp.

Vitamin và khoáng chất

Người ta cũng đã chứng minh các thức ăn chứa vitamin E (đậu tương, giá đỗ, vừng, lạc, …)có tác dụng giảm đau chống viêm.

Còn beta-carotene (tiền Vitamin A) có nhiều trong cà rốt, cà chua, bí rợ, rau xanh… và các loại trái cây, rau củ có màu đỏ cũng có công dụng tương tự.

Vitamin C và D có khả năng cải thiện bệnh viêm xương khớp.

Acid folic là một vitamin B trong thức ăn và cũng có thể bổ sung từ ngoài. Khi bệnh nhân Viêm khớp dạng thấp điều trị bằng methotrexate thì phải bổ sung acid folic để tạo tế bào hồng cầu. Bổ sung acid folic còn giúp giảm triệu chứng đau và phản ứng viêm cũng như tác dụng phụ của thuốc.

Selenium giúp chống lại gốc tự do gây tổn thương mô cơ thể. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, người bị Viêm khớp dạng thấp có sự giảm selenium trong máu và cần bổ sung. Nếu người bệnh Viêm khớp dạng thấp có dùng corticoide thì cần thiết phải bổ sung canxi và vitamin D giúp củng cố xương.

Trường hợp này cũng nên ăn hoặc uống các chất có nhiều canxi như sữa và các sản phẩm của sữa (pho mát, sữa tươi, chua…) và nên ăn thức ăn giàu kali (chuối tiêu, rau cải, quả khô…).

Rau xanh và chất xơ

Những chuyên gia dinh dưỡng cho biết những loại rau xanh và ngũ cốc thô, các loại đậu, các loại hạt còn nguyên lớp vỏ lụa bên ngoài chứa rất nhiều chất xơ, sinh tố và khoáng chất có tính năng giải độc, chống béo phì và tăng cường sức đề kháng, những yếu tố hữu ích cho việc điều trị và phục hồi sức khoẻ trong bệnh thấp khớp.

Thật vậy các loại rau có lá màu xanh đậm hoặc vàng có chứa nhiều chất chống oxy hoá như beta-cryptoxanthin, zeaxanthin và Vit C có thể phòng chống hiệu quả các chứng bệnh viêm khớp.

Ăn ngũ cốc thô và rau quả tươi thay thế cho phần lớn những loại thực phẩm công nghiệp hoặc chế độ ăn có nhiều đạm động vật là yếu tố rất quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị loại bệnh này. Mặt khác, lớp vỏ ngoài của các loại ngũ cốc có nhiều sinh tố nhóm B.

Theo Đông y, lớp vỏ ngoài thuộc dương, tính ấm có tác dụng hỗ trợ cho sự chuyển hóa ở dạ dày và việc tăng cường khí hóa của Tỳ Vị.

Nên dùng trên 300 g rau và 200 g hoa quả mỗi ngày. Chất xơ trong rau trái giúp giảm cholesterol máu, tránh táo bón (vốn là tình trạng thường gặp ở người bệnh khớp).

Bài trướcBệnh thoát vị đĩa đệm cột sống
Bài tiếp theoBệnh Gan nhiễm mỡ

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.