NÃI TIỄN

Là một dạng chàm ở trẻ nhỏ còn bú (Anh Nhi Thấp Chẩn).

Còn gọi là ‘Lác Sữa’

Từ Nãi Tiễn xuất hiện trong sách ‘Ngoại Khoa Chính Tông’. Sau này các y gia dựa theo nguyên nhân gây nên bệnh mà đặt nhiều tên khác nhau. Thí dụ như khi có thai người mẹ ăn thức ăn cay nóng, vì vậy gọi là ‘Thai Tiễn’, ‘Thai Liễm’. Hoặc dựa vào nguyên nhân do sữa gây nên vì vậy gọi là ‘Nhũ Tiễn’, ‘Nãi Tinh Sang’.

Tương đương với chứng Thấp chẩn nơi trẻ nhỏ của Y học hiện đại .

Nguyên nhân

Do nhiệt độc từ trong thai truyền sang, thường do người mẹ khi có thai ăn những thức ăn tanh, béo, nướng, khiến cho phong bị động hóa thành nhiệt gây nên.

Do người mẹ sẵn có thấp nhiệt ở bên trong chuyển vào bào thai khiến cho khi sinh ra, đứa trẻ bị nhiễm thấp nhiệt, phát ra ngoài da gây nên bệnh.

Thấp nhiều sẽ khiến cho thủy tràn ra gây nên chứng ‘thấp liễm’ (Chàm ướt), nếu nhiệt nhiều thì nổi vết ban đỏ, thành chứng ‘Can Liễm’ (Chàm khô).

Triệu Chứng

Chứng Thấp Nhiệt (Thấp Liễm – Chàm Ướt): Gặp nơi những trẻ mập, thường phát ở vùng đầu mặt, gáy cổ những vùng có nhiều nếp (hăm). Vùng da có vết ban, có nước rỉ ra, rồi khô, thành vẩy, ngứa, táo bón, nước tiểu vàng, mạch Hoạt Sác.

Điều trị: Thanh nhiệt, hóa thấp, tư âm, chỉ dưỡng. Dùng bài Tả Hoàng Tán gia giảm: Hoắc hương, Hoàng bá (sao), Phục linh bì, Hoàng cầm (sao) đều 6g, Thạch cao (sống) 10g, Sơn dược, Phòng phong, Sơn chi đều 4,5g, Cam thảo 3g. Sắc uống.

Chứng Thai Nhiệt (Can Liễm – Chàm Khô): Thường gặp nơi trẻ gầy ốm, kém dinh dưỡng, da mặt vàng, bắp thịt teo gầy, trên da có những đám (vệt) ban đỏ, rịn ra ít nước dính hoặc khô, ngứa, ăn uống kém, bú xong khá lâu thì nôn ra, tiêu lỏng hoặc tiêu phân sống, lưỡi đỏ sậm, ít rêu, mạch Hoãn.

Điều Trị: Thanh Tâm, đạo xích, phù Tỳ, dục âm. Dùng bài Tam Tâm Đạo Xích Tán gia giảm: Liên kiều tâm, Sơn chi tâm đều 3g, Liên tử tâm, Huyền sâm, Thuyền thoái đều 6g, Sơn dược, Bạch truật, Bạch thược (sao), Cốc nha (sao), Mạch nha (sao) đều 10g, Cam thảo tiêu 4,5g, Đăng tâm 3 cọng. Sắc uống.

Thuốc Bôi

Trứng gà, bỏ tròng trắng chỉ lấy tròng đỏ, chiên lấy chất dầu trên mặt trưng, Hàng phấn 10g, trộn đều, bôi (Bì Phu Bệnh Trung Y Liệu Trị Học).

Bạch cương tằm, tán nhuyễn, sắc lấy nước rửa (Bì Phu Bệnh Trung Y Liệu Trị Học).

Hoàng bá, Thạch cao, Bạch chỉ đều 30g, Hoàng liên, Ngũ bội tử đều 15g, Lô cam thạch 24g. Tán nhuyễn, hòa với dầu (mè, dừa…) bôi (Bì Phu Bệnh Trung Y Liệu Trị Học).

Lá Trầu không, giã nát, ngâm với rượu (khoảng 5~7 ngày), bôi lên vết chàm, ngày 2 lần (Kinh Nghiệm Dân Gian).

Chú ý: Trường hợp nhẹ điều trị có thể khỏi, không để lại sẹo. Nếu sau hai năm lại bị tái phát, kéo dài không khỏi, có thể chuyển thành chứng ‘Tứ Loan Phong’ (Di Truyền Quá Mẫn Tính Bì Viêm).

Bệnh Án Điển Hình

Trích trong ‘Đương Đại Danh Y Lâm Chứng Tinh Hoa’).

Trương X, nữ, 4 tuổi. Sau khi sinh 2 tháng thì bị chứng ‘thai liễm sang’. Đã trị nhiều phương pháp hơn 3 năm qua. Nước vàng vẫn rỉ ra, vết thương không giảm. Khe ngón tay ngón chân, vùng hố nách, mặt trong bắp đùi đều lở loét hoặc có có từng đám ướt, da trắng bệch, khô, mủn, ngứa, lưỡi đỏ, ít rêu mà khô, mạch Tế Sác.

Chẩn đoán là Thấp chẩn mạn tính, thuộc loại âm hư, huyết táo.

Điều trị: Dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận táo, chỉ dưỡng.

Dùng: Sinh địa, Huyền sâm, Bạch thược, Bạch vi, Tử thảo, Thảo hà xa đều 15g, Đơn bì, Bạch tiên bì, Kinh giới, Thanh đại, Cam thảo (sống) đều 6g, Hoàng bá, Thủy ngưu giác, Xích thược đều 3g.

Dùng bài thuốc trên uống hơn một tháng. Uống hơn 20 thang thì hết thấp tà, vết chàm ở da biến mất. Dùng bài thuốc trên bỏ Kinh giới, Bạch tiên bì, uống 4 thang nữa, bệnh khỏi hẳn.

Bài trướcNấm Đầu | Đông Y
Bài tiếp theoNấc (Ách Nghịch – Cách Cơ Kinh Luyến) | Đông Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.