Biếng ăn luôn là vấn đề quan tâm của các bà mẹ có con nhỏ
Trẻ biếng ăn đang là nỗi bức xúc của những bậc làm cha mẹ, hàng ngày Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện nhi đồng 1 có rất nhiều bệnh nhân đến khám vì biếng ăn. Nhưng có phải tất cả đều cần phải uống thuốc hay không? Và cách giải quyết như thế nào? Xin các bậc cha mẹ cùng trao đổi với các nhà chuyên môn nhé.
Biếng ăn là tình trạng giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn ở trẻ nhỏ, khiến trẻ không nhận đủ lượng thức ăn theo nhu cầu. Nếu biếng ăn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến dinh dưỡng cũng như sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Biếng ăn là vấn đề bức xúc và quan tâm của hầu hết các bà mẹ có con đặc biệt là có con nhỏ dưới 6 tuổi.
Biếng ăn có nhiều mức độ, có thể trẻ ăn ít hcm so với bình thường, hoặc chỉ ăn rất ít một vài loại thức ăn hoặc nặng hcm là từ bỏ ăn, sợ ăn và nôn ói khi nhìn thấy thức ăn.
Tại sao trẻ biếng ăn?
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Có thể tạm chia thành những nhóm nguyên nhân sau:
- Biếng ăn sinh lý:
- Những thay đổi sinh lý như trẻ trong giai đoạn biết lật, biết bò, biết đi, mọc răng…đều có thể biếng ăn.
- Biếng ăn do bệnh:Trẻ nhỏ có sức đề kháng kém nên thường hay mắc bệnh, những bệnh thông thường như: viêm họng, viêm amidan, viêm nướu, đẹn miệng, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy đều làm cho trẻ ăn ít hơn
- Biếng ăn do tâm lý:
- Một số những nguyên nhân khác như trẻ được chăm sóc, cưng chiều quá mức hoặc ngược lại là cha mẹ do quá bận rộn với công việc hoặc thường xuyên phải đi công tác xa, mọi việc giao cho người chăm sóc cũng gây nên tình trạng biếng ăn ở trẻ. Những yếu tố tâm lý sẽ tác động lên những trẻ hay hờn dỗi, dễ xúc cảm. Đặc biệt là thái độ cư xử của bố mẹ như quát mắng, dọa dẫm hoặc gia đình cãi cọ, xích mích đều ảnh hưởng đến trẻ.
- Biếng ăn do dinh dưỡng không đúng:Trẻ cũng có thể bỏ ăn nếu thức ăn không phù hợp với lứa tuổi hoặc những sai lầm trong quá trình chế biến như: sử dụng các loại nước xương hầm, các loại khoai củ hoặc quá nhiều chất đạm sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
- “Bệnh” biếng ăn: do nguyên nhân thần kinh hay nội tiết. Bệnh này rất hiếm gặp ở trẻ nhỏ, thường gặp ở trẻ lớn (tiền dậy thì hay dậy thì)
- Cha mẹ bị “bệnh”- tưởng con mình biếng ăn: Cha mẹ bắt con ăn quá sức của con, con không ăn hết thế là quy cho con biếng ăn (thực sự con ăn đủ nhu cầu rồi)
Biếng ăn gây nên những hậu quả gì?
Biếng ăn sẽ khiến trẻ chậm tăng cân (trung bình với trẻ từ 12 tháng trở lên sẽ tăng cân khoảng 100 g – 200 g/tháng), nếu không can thiệp kịp thời trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng từ nhẹ đến nặng. Sức đề kháng ở trẻ suy dinh dưỡng giảm làm cho trẻ dễ mắc bệnh, khi đó càng biếng ăn hơn. Đó là vòng xoắn bệnh lý, cần phải có biện pháp can thiệp để giúp trẻ duy trì hoạt động và phát triển.
Nếu suy dinh dưỡng nặng và kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến phát triển chiều cao. Trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng thể còi cọc với tầm vóc thấp bé và quá trình phục hồi dinh dưỡng sẽ khó khăn và kéo dài hơn. Những giải pháp can thiệp: Phải tìm đúng nguyên nhân thì chữa trị mới có hiệu quả
Nguyên tắc chung:
- Nên tạo bầu không khí vui vẻ, phấn khích trong khi ăn, chế biến thức ăn đa dạng về chủng loại, màu sắc và mùi vị. Động viên khuyến khích các bé ăn thi với nhau. Nên ngồi gần để động viên bé ăn tích cực.Tăng sự thích thú ăn uống qua các trò chơi, câu chuyện kể mà trẻ yêu thích.
-
Một số biện pháp tăng năng lượng khẩu phần ăn:
Dù trẻ ăn được khối lượng thức ăn ít nhưng vẫn không sụt cân nếu bà mẹ tăng cường thêm 1 muỗng canh chất béo (dầu ăn, mỡ) vào mỗi bữa ăn, hoặc chia thức ăn làm nhiều bữa nhỏ vào những thời điểm khác nhau mà không nhất thiết phải ăn hết khẩu phần cùng một lúc. Việc bổ sung những thực phẩm bổ dưỡng sau bữa chính như: sữa, yaourt, bánh plan, phomai … cũng giúp cung cấp năng lượng đáng kể.
- Nên cho trẻ ăn các loại thức ăn mà trẻ ưa thích bởi trong khoảng thời gian nhất định trẻ có ý thích đặc biệt với một vài loại thức ăn nào đó. Các bà mẹ thường sợ trẻ ăn như vậy sẽ không đủ chất, sự ngăn cấm đôi khi tạo nên phản ứng phản kháng ở trẻ.
Những điều nên tránh
Không nên cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn chính vì sẽ tạo cảm giác no giả tạo và trẻ sẽ bỏ bữa.
Tránh căng thẳng, la mắng, đánh đập. Không ép trẻ ăn bằng mọi cách kể cả đè trẻ ra nhét thức ăn vào miệng.
Tự ý dùng thuốc cho trẻ vì phải tìm đúng nguyên nhân biếng ăn thì thuốc mới có tác dụng, nếu không có thể trẻ sẽ biếng ăn hơn. Thuốc điều trị biếng ăn?
Hiện vẫn chưa có loại thuốc nào được xem là an toàn trong điều trị biếng ăn cho trẻ dù đây là mong muốn của nhiều bà mẹ. Một số loại thuốc gây dễ ngủ và tạo cảm giác ngon miệng nhưng đây chỉ là tác dụng phụ của một số thuốc chống dị ứng, tác dụng này sẽ biến mất khi ngưng thuốc và có ảnh hưởng không tốt trên sự phát triển của trẻ, vì vậy không khuyến khích dùng cho trẻ em.
Tuy nhiên có thể dùng các chế phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất ở những trẻ suy dinh dưỡng để giúp tăng cường hoạt động chuyển hóa trong cơ thể. Hoặc các loại men tiêu hóa giúp hỗ trợ tiêu hóa và tiêu hóa thức ăn.
Việc dùng loại thuốc gì, liều lượng bao nhiêu và thời gian kéo dài trong bao lâu đều nên có ý kiến của bác sĩ.
Kết luận: Biếng ăn là một vấn đề phức tạp, do nhiều nguyên nhân kết hợp và ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng trẻ em. Nên xác định và loại bỏ những nguy cơ gây biếng ăn. Điều trị biếng ăn cần phối hợp nhiều biện pháp, cần sự quan tâm của nhiều người và cần sự kiên trì của người chăm sóc.