Các bệnh lý mạch máu do xơ vữa động mạch

Bệnh tắc động mạch chi dưới do xơ vữa

Tắc động mạch do xơ vữa hay viêm động mạch do xơ vữa là nguyên nhân hay gặp nhất trong các bệnh lý động mạch chi dưới với tần suất gặp khoảng 1% trong cộng đồng dân cư.

Tỷ lệ nam/nữ # 3/1 và tuổi khởi phát thường bắt đầu từ 40 tuổi, trong khi giới nữ tuổi khởi phát thường muộn hơn khoảng 10 tuổi.

Trong viêm động mạch chi dưới, các tổn thương có thể đồng thời gặp ở mọi vị trí: từ động mạch chủ đoạn dưới thận đến các động mạch ở cẳng chân. Tuy nhiên động mạch chậu và động mạch đùi nông là những vị trí hay bị tổn thương nhất.

Trong xơ vữa động mạch do đái tháo đường, sinh bệnh học hoàn toàn khác với sinh bệnh học ở những bệnh nhân không có đái tháo đường. Các mạch máu bị vôi hóa rất ít, các tổn thương xơ vữa thường ở về ngoại vi và có thể ảnh hưởng đến các mạch máu có kích thước nhỏ mà đặc biệt là động mạch ở cẳng chân.

Bệnh nhân viêm tắc động mạch chi dưới do xơ vữa thường có thương tổn phối hợp ở nhiều động mạch ở các vị trí khác nhau: nguy cơ thương tổn mạch vành trong 5 năm là 40 – 50%, tổn thương các mạch máu não, mạch cảnh từ 15 – 20% các trường hợp.

Thăm khám lâm sàng 1 bệnh nhân bị tắc động mạch chi dưới do xơ vữa nhằm:

+Xác định mức độ lan rộng của tổn thương mạch máu.

+Xác định mức độ thiếu máu của chi, định khu vị trí tổn thương ở chi dưới. +Xác định giai đoạn bệnh theo Leriche – Fontain.

+Lựa chọn các thăm dò cận lâm sàng thích hợp, xác định các phương pháp điều trị.

Bệnh lý xơ vữa các thân động mạch trên cung động mạch chủ và các thân động mạch đến não

Tuần hoàn cho não được đảm bảo nhờ 2 động mạch cảnh, các động mạch đốt sống, và hai hệ thống này nối với nhau bởi đa giác Willis.

Xơ vữa thường đặc trưng là mảng sợi xơ – nội mạc và gia tăng kích thước theo thời gian. Tiến triển của tổn thương dần dần gây hẹp khít và gây huyết khối.

Lâm sàng có thể: không có triệu chứng (phát hiện nhờ tiếng thổi ở động mạch cảnh ngay dưới góc hàm hoặc phát hiện do huyết áp hai tay không đối xứng), hoặc có các triệu chứng lâm sàng (thiếu máu não thoáng qua, tai biến mạch máu não do hẹp động mạch cảnh, tai biến mạch máu não do hẹp động mạch đốt sống – thân nền).

Phân loại Marseille trong bệnh lý mạch máu não (1984):

+Giai đoạn 0: Bệnh không có triệu chứng

+Giai đoạn I: Thiếu máu não thoáng qua.

Ia: Thời gian ngắn

Ib: Kéo dài

+Giai đoạn II: Tai biến mạch máu não tiến triển

IIa: Bệnh cải thiện

IIb: Bệnh tiến triển nặng

+Giai đoạn III: Tai biến mạch máu não ổn định

IIIa: Để lại di chứng nhẹ

IIIb: Để lại di chứng nặng nề

Chẩn đoán dựa vào lâm sàng và các thăm dò cận lâm sàng (siêu âm Doppler, CT Scan, chụp động mạch cảnh, đốt sống – thân nền). Tùy thuộc mức độ hẹp của động mạch và từng tình huống lâm sàng mà có chỉ định điều trị nội khoa hay ngoại khoa.

Bệnh lý các động mạch tiêu hóa

Các động mạch tiêu hóa bao gồm động mạch thân tạng, động mạch mạc treo tràng trên, động mạch mạc treo tràng dưới. Tổn thương do xơ vữa thường gặp là hẹp hay tắc hoàn toàn các động mạch này và lâm sàng sẽ xuất hiện thiếu máu ruột cấp hay mãn tính. Một số trường hợp ít gặp hơn là tổn thương phình động mạch (chiếm khoảng 1/10.000 trường hợp mổ tử thi). Điều quan trọng là phải xác định được tổn thương phình động mạch trước khi xuất hiện các biến chứng của nó (vỡ, huyết khối – thuyên tắc).

Tổn thương hẹp/ tắc động mạch tiêu hoá tương đối hiếm gặp. Bệnh hay xuất hiện ở những người béo phì và thường phối hợp với các bệnh lý mạch máu khác (mạch vành, mạch cảnh, bệnh mạch máu mãn tính chi dưới…). Lâm sàng gợi ý khi có tam chứng: đau bụng sau khi ăn (20-30 phút), gầy nhiều, và nghe được tiếng thổi ở vùng thượng vị.

Chẩn đoán thường xác định dựa vào chụp động mạch tiêu hoá chọn lọc.

Điều trị chủ yếu là phẫu thuật. Các phương pháp hay áp dụng là bóc nội mạc động mạch, cầu nối chủ – tiêu hoá xuôi hay ngược dòng, và nong động mạch qua da.

Bệnh lý xơ vữa động mạch thận

Tổn thương hẹp động mạch thận do xơ vữa là nguyên nhân hay gặp nhất trong bệnh lý hẹp động mạch thận (70 – 80%). Tổn thương thường gặp ở tại lỗ động mạch thận hoặc quanh lỗ động mạch thận (80% trường hợp). 75% các trường hợp tổn thương động mạch thận ở hai bên. Không có dấu hiệu lâm sàng đặc hiệu của hẹp động mạch thận, tuy nhiên tần suất của bệnh rất cao ở những trường hợp tăng huyết áp nặng mới xuất hiện và thường phát hiện được tiếng thổi ở vùng động mạch thận. Chẩn đoán dựa vào siêu âm Doppler, chụp động mạch thận, CT Scan. Điều trị chủ yếu là phẫu thuật, hay can thiệp qua đường nội mạch

Bài trướcBệnh thoát vị đĩa đệm cột sống
Bài tiếp theoBệnh Gan nhiễm mỡ

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.