BỔ PHÁP

ĐỊNH NGHĨA

Bổ pháp là phương pháp dùng các vị thuốc có tính bổ dưỡng phối hợp thành bài thuốc biện chứng để chữa các chứng hư nhược do bẩm sinh, do dinh dưỡng hoặc do bệnh tật gây ra.

Chú ý:

Dùng thuốc Bổ trước hết phải chú ý đến Tỳ Vị. Tỳ Vị có được kiện vận thì pháp Bổ mới có hiệu quả.

Chứng hư lâu ngày phải bổ từ từ.

Tùy theo tình trạng của người bệnh, tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh mà có khi phải phối hợp thuốc bổ với các thuốc chữa bệnh khác.

Thuốc bổ phải được nấu (sắc thuốc) trong thời gian lâu.

Bệnh hư do Hậu thiên nên lấy bổ Tỳ Vị là chính, bệnh hư do Tiên thiên bất túc nên lấy bổ Thận làm chính.

Thực tà chưa giải, chưa nên dùng thuốc bổ.

PHÂN LOẠI

Hư chứng có 4 loại chính, do đó Bổ pháp cũng có 4 pháp chính.

Bổ Khí :

Dùng để chữa các chứng trạng Khí hư (hơi thở ngắn, mệt mỏi khi gắng sức nhẹ, tự hãn, ăn uống kém, mạch hư. Ngoài ra, còn có thể thêm các triệu chứng sa sinh dục, sa tạng phủ, đái són).

Bài thuốc tiêu biểu làTứ quân(gồm Nhân (Đảng) sâm, Bạch truật, Bạch linh, Cam thảo).

Chú ý:Khi Tỳ Vị có đờm thấp thì phải dùng thuốc Hóa đờm trừ thấp.

Bổ Huyết :

Dùng để chữa các chứng trạng Huyết hư (sắc mặt tái, môi móng nhợt, hoa mắt, chóng mặt, tay chân tê, mất ngủ, đánh trống ngực, kinh nguyệt ít, sắc kinh nhợt, chất lưỡi nhợt, mạch Tế hoặc Tế sác).

Bài thuốc tiêu biểu làTứ vật(gồm Thục địa, Xuyên khung, Đương quy, Bạch thược).

Bổ dương:

Dùng để chữa các chứng trạng dương hư (sợ lạnh, tay chân lạnh, ăn không tiêu, di tinh, liệt dương, đau lưng, mỏi gối, tiêu chảy, tiểu nhiều, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi nhợt, mạch nhược).

Bài thuốc tiêu biểu làHữu quy hoàn (gồm Thục địa, Sơn thù, Kỷ tử, Lộc giác giao, Thỏ ty tử, Đỗ trọng, Đương quy, Nhục quế, Phụ tử chế) hoặc dùng bài Bát vị. Cả 2 bài đều mang tính chất ôn bổ Thận dương.

Bổ âm:

Dùng để chữa các chứng trạng âm hư (triều nhiệt, nhức trong xương, ho khan, họng khô đau, 2 gò má đỏ, đạo hãn, ngũ tâm phiền nhiệt, bức rức không yên, tiểu sẻn đỏ, táo bón, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Tế sác).

Bài thuốc tiêu biểu là Tả quy hoàn (gồm Thục địa, Sơn thù, Quy bản, Kỷ tử, Lộc giác giao, Thỏ ty tử, Ngưu tất) hoặc bài Lục vị (gồm Thục địa, Sơn thù, Hoài sơn, Đơn bì, Trạch tả, Phục linh). Cả 2 bài trên đều mang tính chất Tư dưỡng Thận âm.

Ngoài 4 pháp Bổ chung như trên, còn do tình trạng hư nhược của mỗi tạng phủ mà pháp Bổ còn phân ra:

Bổ Phế âm :

Dùng để chữa những chứng do Phế âm hư gây ra (ho lâu ngày, ho khúc khắc, ho khan, ho ra máu, gò má đỏ, triều nhiệt, đạo hãn, cổ khô, tiếng khàn, chất lưỡi đỏ khô, mạch Tế sác).

Bài thuốc tiêu biểu là Bách hợp cố kim thang (gồm Bách hợp, Sinh địa, Thục địa, Mạch môn, Bối mẫu, Sinh Cam thảo, Huyền sâm, Cát cánh, Đương quy, Bạch thược).

Bổ Phế khí :

Dùng để chữa những chứng do Phế khí hư gây ra (ho không có sức, thở ngắn, ngại nói, tiếng nói nhỏ, thiếu khí, tự hãn, sắc mặt trắng bệch, lưỡi nhợt, mạch Hư nhược).

Bài thuốc tiêu biểu là Bổ phế thang (gồm Đảng sâm, Huỳnh kỳ, Chích cam thảo, Ngũ vị tử, Hoài sơn).

Bổ Thận âm :

Dùng để chữa những chứng do Thận âm hư gây ra (cốt chưng, đau nhức trong xương, đau long, ù tai, miệng khô, họng ráo, di tinh, 2 gò má đỏ, ngũ tâm phiền nhiệt, sốt về chiều, lưỡi đỏ không rêu, mạch Tế sác).

Bài thuốc tiêu biểu là Lục vị (gồm Thục địa, Sơn thù, Hoài sơn, Đơn bì, Trạch tả, Phục linh).

Bổ Thận dương:

Dùng để chữa những chứng do Thận dương hư gây ra (sợ lạnh, tay chân lạnh, liệt dương, đau lưng, tinh thần mệt mỏi, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi nhợt bệu, mạch trần trì hoặc 2 bộ Xích vô lực).

Bài thuốc tiêu biểu làBát vị(gồm Thục địa, Sơn thù, Hoài sơn, Đơn bì, Trạch tả, Phục linh, Nhục quế, Phụ tử chế).

Bổ Thận khí :

Dùng để chữa những chứng do Thận khí hư gây ra (hoạt tinh, tiểu tiện nhiều và trong, đái són, đái dầm, ngũ canh tả , hen suyễn, khó thở, phù thủng)

Bài thuốc tiêu biểu làĐại bổ nguyên tiễn(gồm Thục địa, Hoài sơn, Đỗ trọng, Toan táo nhân, Kỳ tử, Sơn thù, Chích Cam thảo, Phá cố chỉ, Bạch truật, Nhục quế, Phụ tử chế).

Bổ tâm âm :

Dùng để chữa những chứng do Tâm âm hư gây ra (buồn bực hay lo, ngũ tâm phiền nhiệt, hay quên, mất ngủ, sốt nhẹ, đạo hãn, mạch tế sác).

Bài thuốc tiêu biểu làThiên vương bổ tâm đơn (gồm Đảng sâm, Huyền sâm, Đan sâm, Ngũ vị tử, Viễn chí, Cát cánh, Đương quy, Thiên môn, Bá tử nhân, Toan táo nhân, Sinh địa, Phục linh).

Bổ Tâm dương:

Dùng để chữa những chứng do Tâm dương hư gây ra (nặng ngực, thở ngắn, tự hãn, thiếu khí, người lạnh, tay chân lạnh, lưỡi nhợt, mạch Nhược kết hoặc Đại). Bài thuốc tiêu biểu làBảo nguyên thang(gồm Phụ tử chế, Bạch thược, Bạch linh, Can khương).

Nếu Tâm dương hư thoát thêm các chứng mồ hôi ra không ngừng, tay chân quyết lãnh, môi tím xanh, thở nhanh nông, thần chí hôn mê, lưỡi tím, mạch Vi muốn tuyệt.Bài thuốc tiêu biểu là Tứ nghịch thang(gồm Nhân sâm, Phụ tử chế, Can khương, Cam thảo) hoặc bài Phụ tử lý trung thang (gồm Đảng sâm, Bạch truật, Phụ tử chế, Can khương, Cam thảo).

Bổ Tâm khí:

Dùng để chữa những chứng do Tâm khí hư gây ra (trống ngực, tự hãn, đoản khí, thiểu khí, sắc mặt xanh, lưỡi nhợt bệu, mạch Hư).

Bài thuốc tiêu biểu là Dưỡng tâm thang (gồm Huỳnh kỳ, Phục thần, Đảng sâm, Phục thần, Bán hạ, Xuyên khung, Ngũ vị tử, Viễn chí, Đương quy, Bá tử nhân, Toan táo nhân, Phục linh, Chích Cam thảo).

Bổ Tâm huyết :

Dùng để chữa những chứng do Tâm huyết hư gây ra (trống ngực, hồi hộp, dễ kinh sợ, vật vã, mất ngủ, hay quên, hoa mắt, chóng mặt, sắc mặt trắng xanh, môi lưỡi nhợt, mạch Tế nhược).

Bài thuốc tiêu biểu là Bá tử dưỡng tâm hoàn (gồm Bá tử nhân, Kỷ tử, Mạch môn, Đương quy, Thạch xương bồ, Thục địa, Phục thần, Cam thảo)

ôn trung kiện Tỳ :

Dùng để chữa những chứng do Tỳ dương hư gây ra (trời lạnh bụng đau, chườm nóng đỡ đau, hay đau bụng, tiêu chảy, người lạnh, tay chân lạnh, lưỡi nhợt, mạch Trầm trì).

Bài thuốc tiêu biểu là Lý trung hoàn (gồm Đảng sâm, Can khương, Bạch truật, Cam thảo).

Kiện Tỳ ích Khí :

Dùng để chữa những chứng do Tỳ khí hư gây ra (kém ăn, chậm tiêu, đoản khí, thiểu khí, sắc mặt vàng tái, đại tiện lỏng, lỵ mãn tính, sa tạng, rong kinh, tiện huyết, chất lưỡi nhợt, mạch Hư nhược).

Bài thuốc tiêu biểu làBổ trung ích khí(gồm Hoàng kỳ, Đảng sâm, Bạch truật, Chích Cam thảo, Đương quy, Trần bì, Thăng ma, Sài hồ).

Dưỡng Vị Âm :

Dùng để chữa những chứng do Tân dịch giảm sút gây ra (môi miệng khô, thích uống, ăn uống kém sút, viêm lóet miệng, chảy máu chân răng, đại tiện táo, lưỡi khô đỏ, mạch Tế sác).

Bài thuốc tiêu biểu là Ngọc nữ tiễn (gồm Thạch cao, Thục địa, Mạch môn, Tri mẫu, Ngưu tất, Sa sâm, Thạch hộc).

Tư dưỡng Can âm :

Dùng để chữa những chứng do Can âm bất túc gây ra (mắt nhìn không rõ, mắt khô, quáng gà, kinh nguyệt ít).

Bài thuốc tiêu biểu là Kỷ cúc địa hoàng hoàn (gồm Thục địa, Sơn thù, Hoài sơn, Đơn bì, Trạch tả, Phục linh, Kỷ tử, Cúc hoa).

Bài trướcĐiểm mấu chốt trong tương thông giữa Y và Dịch
Bài tiếp theoÔn pháp

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.