Các thầy thuốc và xã hội mà chúng ta đang sống đã quen với quan niệm về lạm dụng trẻ em và có tinh thần cảnh giác cao đối với những hoàn cảnh có chấn thương hoặc sự bỏ mặc. Những sự nghi ngờ như vậy cần phải được cân nhắc với lòng nhân ái và tình thương nhằm tìm kiếm những cách thức tốt nhất và an toàn nhất cho trẻ. Bên cạnh đó cũng phải tính đến quyền hạn và nhu cầu của cha mẹ hoặc người chăm sóc. Những cha mẹ như vậy cần được giúp đỡ, hiểu và nghỉ ngơi. Cùng với sự hỗ trợ, họ thường vẫn tiếp tục được vai trò làm cha làm mẹ của mình. Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có những lần đề cập đến lạm dụng người già và đã có sự tham gia tích cực của nhiều cơ sở dịch vụ công cộng (hầu hết là các dịch vụ bảo vệ người lớn) , trong những trường hợp lạm dụng người già, thông báo của các bác sĩ về lạm dụng người già là còn quá ít.

Người ta thường so sánh những nhu cầu của người già với trẻ em. Giữa họ có những điểm chung như: phụ thuộc vào người khác, không có khả năng khái quát, phát biểu và theo đuổi những nhu cầu cũng như quyền lợi của mình. Các con số thống kê về tỉ lệ nghèo đói cho thấy hiện nay ở nước Mĩ, 20% số phụ nữ già cô đơn và 20% số trẻ em sống trong nghèo đói.

Tương tự như vậy, người ta hay so sánh lạm dụng người già với lạm dụng trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay người ta càng phát hiện được nhiều vụ lạm dụng người già hơn so với lạm dụng trẻ em. Trong khi đó, những sự hỗ trợ về luật pháp cũng như các mặt khác nhằm bảo vệ những người già bị lạm dụng vẫn chưa phổ biến, kém tính bắt buộc cũng như tính giáo dục so với lạm dụng trẻ em. Bên cạnh đó, những nhu cầu cũng như tính cách của người già lại phức tạp hơn so với trẻ nhỏ. Người già dễ bị tổn thương khi bị ngược đãi về cơ thể và thường hay bị lạm dụng dưới dạng bỏ mặc thụ động, song họ cũng hay có các nguồn lực mà họ rất cần cho sự chăm sóc bản thân một khi họ ở vào tình thế gần như bị suy sụp. Ngoài ra họ cũng còn là đôi tượng của lạm dụng kinh tế. Tài sản và những yếu tố kinh tế khác thường kéo theo hàng loạt những vấn đề phức tạp khác. Ví dụ như khi người già do có sự tổn thiệt về chức năng nhận thức nên không có được các quyết định phù hợp, các thành viên trong gia đình lại có xung đột về lợi ích từ những quyết định như vậy. Người già cũng còn dễ bị tổn thương đối với những hành vi phạm tội của người trong gia đình hoặc những kẻ cơ hội bên ngoài tìm cách giúp đỡ nhằm lợi dụng tài sản; hoặc đơn giản là sử dụng đức tin, về sự bần cùng, phụ thuộc và bệnh tật để doạ dẫm.

Một vấn đề khác ở người già là tự bỏ mặc. Điều này nhiều khi cũng cần chăm sóc như đối với người bị lạm dụng. Trong khi tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng trẻ em không có khả năng tự chăm sóc bản thân và sẵn sàng giúp đỡ trẻ thì nhìn chung chúng ta lại cho rằng mọi người lớn đều có đủ khả năng để chăm sóc bản thân. Ngoài ra những người không có đủ khả năng để đề đạt nguyện vọng của mình thì lại càng ít được giúp đỡ.

Do vậy trong khi chúng ta đang cố gắng công nhận quyền của cá nhân từ chối điều trị và các biện pháp can thiệp khác thì chúng ta cũng phải đối mặt với những cá nhân dễ bị tổn thương, những người có rối loạn nhận thức do bị người khác lạm dụng hoặc lạm dụng chính bản thân mình. Điều này rất quan trọng bởi lẽ, như chúng ta đã biết, hiện nay số người già bị bệnh Alzheimer và các bệnh sa sút trí tuệ khác chiếm tỉ lệ cao. Do đây là một đặc điểm của sa sút trí tuệ sớm, các kĩ năng xã hội vẫn được bảo toàn, mặc dù các rối loạn nhận thức chỉ có thể được phát hiện qua các bảng hỏi trực tiếp về trạng thái tâm thần, sa sút trí tuệ là yếu tố thường xuyên thể hiện trong các hoàn cảnh khác nhau. Để bảo vệ người già, thầy thuốc cũng như các chuyên gia sức khoẻ khác và toàn thể xã hội nói chung phải phân biệt được sa sút trí tuệ với những người còn đủ khả năng nhận thức, trả lời đầy đủ các câu hỏi. Những vấn đề trên và nhiều vấn đề về lâm sàng, sắc tộc còn đang gây tranh cãi khác cũng đã được đề cập đến trong y văn.

Rõ ràng bác sĩ gia đình ở vào vị trí tốt nhất đề phát hiện và xử trí phù hợp đối với những người lạm dụng. Bác sĩ gia đình cũng có vai trò to lớn trong việc ngăn ngừa lạm dụng người già bằng cách phát hiện và làm giảm thiểu các yếu tố nguy cơ, tham gia vào việc lập kế hoạch chăm sóc, nhất là các bộ phận hoà giải. Ví dụ gánh nặng lên một thành viên không thích hợp phải tiếp tục chăm sóc người già tại gia đình sẽ làm tăng nguy cơ người già bị lạm dụng, nếu như công việc chăm sóc này vượt quá khả năng của cá nhân.

Mặc dù đã có các văn bản hướng dẫn , song tính phức tạp của các vấn đề về luật pháp, đạo đức với các hệ thống báo cáo khác nhau giữa các bang, tỉ lệ mà các bác sĩ báo cáo cho những cơ quan dịch vụ công cộng, dạng như các dịch vụ bảo vệ người lớn , cũng rất khác , nhau nên cần phải có sự tăng cường hơn nữa về công tác giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm cho bác sĩ tuyến cơ sở và đội ngũ nhân viên y tế nói chung.

Chương này khái quát lại các định nghĩa và quan niệm hiện hành về cách xử trí phù hợp và phát hiện lạm dụng người già. Ngoài ra chương này cũng còn tóm lược.những thông tin hiện thời về các yếu tố nguy cơ và trợ giúp cho bác sĩ gia đình cùng đội ngũ nhân viên của họ, các đồng nghiệp trong cộng đồng trong những nhiệm vụ cơ bản như xác định, xử trí và ngăn ngừa lạm dụng người già.

PHẠM VI VÀ DẠNG LẠM DỤNG NGƯỜI GIÀ

Có thể chia lạm dụng người già thành 5 dạng.

  1. Bỏ mặc cơ thể, (a) Sự bỏ mặc thụ động. Do thiếu kinh nghiệm hay do một rối loạn nào đó ở cá nhân có nhiệm vụ chăm sóc người già dẫn đến những nhu cầu cơ bản của người già không được đáp ứng, và do vậy họ bị bỏ mặc một mình hoặc bị quên, (b) Bỏ mặc chủ động. Những nhu cầu thiết yếu hàng ngày như thức ăn, thuốc men, trò chuyện, hoặc sự chăm sóc cơ thể đối với người bất động; hay trông nom những người dễ bị tai nạn (ví dụ, không để cho người đã có dấu hiệu sa sút trí tuệ rõ rệt tự do đi lại trong thành phố mà không có người đi kèm) đã bị cố tình bỏ quên.
  2. Lạm dụng cơ thể: đấm, véo, chen đẩy, đánh đập, đốt, cưỡng bức tình dục, hành hạ cơ thể.
  3. Lạm dụng tâm lí: đe doạ, giễu cợt, xúc phạm, cách li, phỉ báng, đối xử như với trẻ con, gọi bằng tên không.
  4. Lạm dụng kinh tế và tài chính: ăn cắp hoặc sử dụng sai mục đích các nguồn lợi tài chính hay vật chất (ví dụ, sử dụng tiền bạc của cải một cách vô ích hoặc không được sự chấp thuận của người già).
  5. Vi phạm quyền lợi: đuổi hoặc cưỡng bức chuyển đến nhà dưỡng lão hoặc đến chỗ ở khác mà không có sự báo trước, không giải thích, hoặc chỗ ở mang tính chất giam cầm.

Ngoài những dạng kể trên cũng cần phải bổ sung thêm dạng tự bỏ mặc. về mặt xã hội và nghề nghiệp vẫn còn nhiều người quan niệm rằng đối với những cá nhân còn khả năng hiểu và phản ứng và những người phản đối hay từ chối, hoặc đơn giản là không thể hiện những nhu cầu cần trợ giúp thì cũng không nên hoặc không cần phải tập trung giúp đỡ. Chính do quan niệm như vậy mà dẫn đến đánh giá quá cao khả năng tự phục vụ của một số người già, nhất là những người có rối loạn chức năng nhận thức.

Mặc dù tự bỏ mặc không hoàn toàn phù hợp với khái niệm lạm dụng người già, song những cá nhân như vậy cũng xứng đáng được thừa nhận và cũng cần được chăm sóc thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn và các hoạt động cho họ. Trên thực tế, trong những khảo sát các dịch vụ bảo vệ người lớn, tự bỏ mặc là nguyên nhân chính cần đến dịch vụ.

Cũng cần phải lưu ý rằng thuật ngữ lạm dụng người già được định nghĩa gắn liền với hoàn cảnh gia đình và thường dùng đối với những gia đình có người già. Cụm từ này không dùng đối với những trường hợp phạm tội khi người già thường là nạn nhân. Đối với nhiều người già nghèo khổ, mặc dù họ vẫn sống trong nhà của họ song nó có thể đã không còn đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Hoàn cảnh như vậy một phần còn do những gắn bó về tình cảm và tâm lí với “ngôi nhà”, còn thường là do tài chính. Bác sĩ gia đình cần phải nắm được mức độ phù hợp và an toàn ở những nhà có người bệnh cao tuổi của họ đang sống, nhất là khi họ sống một mình.

Người già cũng còn có nguy cơ bị lừa dối, dễ bị tổn thương bởi những chuyện xảo trá, hoặc những sự quan tâm dễ tạo ra lo âu, ví dụ như về sức khoẻ, tiền tiết kiệm, thoả thuận về tang lễ, bảo hiểm nhân thọ hay y tế. Điều đáng buồn là những quan hệ lẽ ra làm vui lòng người già cô đơn, đang cần sự giúp đỡ của “bạn bè” thì lại có thể kết thúc bằng mất cắp hoặc bạo lực. Thầy thuốc cũng cần phải nhạy cảm để có thể đánh giá được khả năng ứng phó của một cá nhân yếu ớt, đặc biệt khi họ sống một mình, có thể tìm được thông tin về mức độ chân tình của các mối quan hệ.

TỈ LỆ HIỆN MẮC

Năm 1981, trên cơ sở tổng hợp kết quả của một số nghiên cứu đã được thực hiện, Uỷ ban về người cao tuổi của Hạ viện Hoa Kì đã cho biết có khoảng 4% người già toàn liên bang là nạn nhân của những vụ lạm dụng vừa và nghiêm trọng (có nghĩa là 1/25 người già trong một năm) (14-18). Có thể thấy vấn đề đã trở nên phổ biến. Một điều nữa cũng dễ nhận thấy là hầu hết các vụ lạm dụng người già đều xuất hiện do sự bỏ mặc và phần lớn do các thành viên trong gia đình thực hiện. Trong nhiều trường hợp người già bị lạm dụng, thường diễn ra đồng thời một số dạng lạm dụng. Nhìn chung, lạm dụng là một hiện tượng tái diễn. Để xác định, xử trí, và ngăn ngừa lạm dụng được tốt hơn, cần phải nhận biết được đầy đủ các đặc điểm của cả nạn nhân và thủ phạm.

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA NẠN NHÂN VÀ THỦ PHẠM LẠM DỤNG VÀ MỐl QUAN HỆ GIỮA HỌ

Mặc dù không có người già nào không bị ảnh hưởng đối với khả năng bị lạm dụng, song cũng có những đặc điểm dễ làm tăng nguy cơ.

Là phụ nữ

Rất già

Phải phụ thuộc vào người khác trong việc chăm sóc và bảo vệ

Bị sa sút trí tuệ

Có những hành vi “khác thường”, dễ gây ra stress cho người chăm sóc (quấy rối trong đêm, hành vi gây sự hoặc tham chiến, hành vi xung động hoặc chống đối, lơ đễnh)

Không tự phục vụ được, phải phụ thuộc vào người khác: tắm rửa, mặc quần áo, đại tiểu tiện, đi lại, ăn uống

Sa sút trí tuệ là một bệnh không chỉ những người chăm sóc mà ngay cả thầy thuốc cũng khó phát hiện. Điều này là do vẻ ngoài xã hội của nhiều người bệnh vẫn còn được bảo toàn. Cả phía gia đình và thầy thuốc cũng dễ bỏ qua các câu hỏi khách quan. Những bộ câu hỏi dạng trắc nghiệm trạng thái nhận thức như vậy có thể kể đên Test đánh giá trạng thái tâm thần tối thiểu hoặc SPMSQ. Sự phát hiện sa sút trí tuệ, đặc biệt là bệnh Alzheimer chiếm tỉ lệ cao hơn nhiều so với quan niệm trước đây kéo theo việc xác định những yếu tố tiền đề đã trở nên cấp thiết. Một thành tố không thể thiếu được trong hoạt động của người thầy thuốc đối với việc chăm sóc toàn diện người già là phải xác định được mức độ hoạt động chức năng, trong đó bao gồm cả trạng thái nhận thức cũng như kĩ năng tự phục vụ bản thân trong cuộc sống hàng ngày của họ. Những khía cạnh này cần phải được đặc biệt lưu ý đối với người già yếu, cô đơn.

Cần phải chú ý đến những đặc điểm dưới đây của người chăm sóc người già. Đây là những đặc điểm dễ làm tăng nguy cơ của hành vi lạm dụng đối với người già đang phụ thuộc vào họ:

Tiền sử có hành vi lạm dụng đối với thành viên khác trong gia đình hoặc đối với vợ (chồng)

Tiền sử có nghiện rượu hoặc lạm dụng chất khác

Cách li xã hội hoặc ít nhất cũng cô đơn trong vai trò người chăm sóc

Gánh vác trách nhiệm chăm sóc trong thời gian quá dài hoặc quá nặng nề

Thể hiện sự kì vọng hoặc đòi hỏi một số khía cạnh không thực tế ở tính cách của người bệnh

Có mối quan hệ trước đây kém tin tưởng hoặc nhiều đau buồn: stress và xung đột thế hệ và sau đó là có thể lạm dụng (thỉnh thoảng có cá nhân thành viên gia đình tự ép mình vào vai trò của người chăm sóc đã làm điều này nhằm chuộc lại những cảm giác tội lỗi hoặc duy trì mối quan hệ chưa từng tốt đẹp bao giờ).

Giải pháp sai lầm cho những xung đột gia đình cuối cùng có thể bị nổ tung dưới áp lực gánh nặng chăm sóc. Người ta thường hay lưu ý đến hiện tượng “đổi vai” trong quan hệ cha mẹ – “đứa trẻ lớn tuổi”này. Cha (mẹ) trước đây đã từng là người lạm dụng, khi về già, họ có thể trở thành nạn nhân của chính lạm dụng. Xung đột thế hệ có thể gay gắt thêm do những vấn đề về tài chính, quan niệm rằng việc chăm sóc người già làm cạn kiệt ngân quỹ của gia đình, rằng những nguồn lực còn được giữ lại và được đến bây giờ là nhờ người chăm sóc. Vấn đề càng nặng nề thêm khi có áp lực xã hội phải chăm sóc tại nhà người già sống phụ thuộc. Đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn và bác sĩ gia đình phải có cách nhìn bao quát toàn bộ vấn đề. Các thành viên trong gia đình cũng có thể không ý thức được hết những lợi ích mâu thuẫn với nhau khi họ can thiệp vào những quyết định tài chính thay mặt cho cha mẹ hoặc người họ hàng bị rối loạn nhận thức.

NHỮNG HOÀN CẢNH PHẢI NGHI NGỜ CÓ LẠM DỤNG

Cần phải bổ sung thêm lạm dụng vào chẩn đoán phân biệt trong tất cả những trường hợp giảm cân nhiều, suy dinh dưỡng, hoặc mất nước; những trường hợp chấn thương tái diễn hoặc không thể giải thích được, dạng như vết bầm tím hoặc gãy xương, đặc biệt nếu vết bầm tím ở mặt trong các chi (cơ gấp), hoặc cơ thể chứ không phải là mặt ngoài như thường gặp, và những trường hợp bị gãy xương trước đó đã có dấu hiệu của chấn thương trực tiếp (ví dụ, ở phần giữa xương cánh tay, xương đùi); những trường hợp có sự chậm trễ hay cố tình không đưa đến các cơ sở y tế khi cần phải có sự can thiệp, săn sóc y tế; hoặc ngược lại, nhiều lần vào cấp cứu với các dấu hiệu vệ sinh quá kém hay dùng nhầm thuốc (quá liều hoặc không theo chỉ dẫn).

NHỮNG SỢ HÃI CỦA NẠN NHÂN

Những nạn nhân của sự lạm dụng, thậm chí cả khi rối loạn nhận thức không phải là yếu tố, cũng có thể chủ định cản trở thông báo về lạm dụng bởi họ sợ bị đuổi, sợ bị thay đổi nhà dưỡng lão, hoặc thay đổi hoàn cảnh chăm sóc hiện thời; sợ bị mất sự thương yêu, bầu không khí tâm lí quan trọng hiện có trong gia đình, suy nghĩ sai lạc về lòng trung thành với gia đình hoặc mặc cảm tội lỗi hoặc xấu hổ của thành viên trong gia đình về hành vi lạm dụng; tình cảm và lòng trung thành đối với người chăm sóc, có thể kèm theo cảm giác của người cha/mẹ về sự bảo vệ; và đáng buồn nữa là sợ người chăm sóc trả thù.

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

Người ta thừa nhận rằng đối với người già có một số yếu tố nhất định dễ dẫn đến lạm dụng: thu nhập thấp, người da màu, và quá già (>75 tuổi). Bên cạnh đó, cũng có những yếu tố phải tăng cường thông báo cho các dịch vụ chăm sóc người trưởng thành: giảm hoạt động, có một bệnh nào đó, mạng lưới xã hội nghèo nàn hoặc kém hiệu quả (1,24).

CAN THIỆP

Thủ tục khi nghi ngờ có lạm dụng

Người bị nghi ngờ là nạn nhân phải được gặp gỡ và phỏng vấn riêng, không có thành viên gia đình tham dự. Điều thiết yếu là các câu hỏi phải đơn giản, trực tiếp và rõ ràng. Việc xem xét một ngày “thông thường” có thể giúp nhà phỏng vấn tập trung vào những vấn đề chính. Tuy nhiên khó khăn thường gặp là không biết nên tin ai. Nhìn chung không nên quá tin vào những lời của người già, đôi khi họ có thể lú lẫn, thỉnh thoảng lại hoang tưởng do rối loạn nhận thức. Người thầy thuốc phải có kiến thức và sự nhạy cảm. Những yếu tố chủ quan khác cũng không kém phần quan trọng đối với bác sĩ cơ sở là sự thân mật và chân thành đốĩ với cả người già và người chăm sóc. Có thể thực hiện các cuộc phỏng vấn riêng biệt với từng thành viên trong gia đình ở tại phòng làm việc của thầy thuốc (ví dụ, phòng y tá) nhằm mục đích hỗ trợ công tác chăm sóc tại gia đình. Phải trắc nghiệm khách quan những trường hợp có rối loạn nhận thức và phải xác định rõ mức độ tự chăm sóc bản thân, cần phải tìm kiếm một cách tích cực thành viên gia đình khác tham gia vào tình hình hiện thời, đặc biệt là từ bên ngoài, những người thỉnh thoảng xuất hiện (bao gồm cả những người tự nguyện dạng như các nhà cung cấp dịch vụ “Bữa ăn trên các bánh xe”.

Cần phải khám toàn diện người bệnh và phải cỏi quần áo (điều này thường cũng khó khăn trong các cơ sở đông người). cần phải tìm kiếm những dấu hiệu của vệ sinh kém, các vết thâm tím ở mặt gấp, các vết thâm tím ở các giai đoạn khác nhau, bỏng, gãy xương kín đáo. Xem xét dáng đi và thăng bằng để phát hiện bệnh căn của chấn thương nếu có. Khi có nghi ngờ lạm dụng tình dục thì phải khám sinh dục. Người già rất dễ bị tổn thương đối với dạng lạm dụng này, do vậy nó ít bị nghi ngờ. cần phải ghi chép tỉ mỉ trên bản vẽ sơ đồ cơ thể, hoặc dùng các ảnh phân cực (Polaroid), như nhiều người thích sử dụng. Khi có nghi ngờ tổn thương xương, cần phải chỉ định các phương pháp đo khách quan như X quang. Trong trường hợp có nghi ngờ tụ máu dưới màng cứng thì cần có chẩn đoán hình ảnh (nói chung chỉ cần chụp não cắt lớp vi tính). Các xét nghiệm cận lâm sàng cung cấp thêm những cứ liệu khách quan để khẳng định suy dinh dưỡng hoặc mất nước.

Mục đích lớn nhất là duy trì sự an toàn cho người bệnh, hạn chế đến mức độ tối thiểu mọi sự đảo lộn cuộc sống của họ cũng như của gia đình họ. Hầu hết các trường hợp lạm dụng bị phát hiện thường không đe doạ trực tiếp sinh mạng song nó lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tỉ lệ tử vong. Khi cần thiết, có thể đưa người bệnh vào điều trị nội trú để có thể chăm sóc và bảo vệ họ.

Thủ tục khi rất nghi ngờ có hoặc đã phát hiện được hiện tượng lạm dụng

Cần phải thông báo cho cơ quan xã hội tương ứng hoặc tổ chức dịch vụ bảo vệ người trưởng thành nào đó về những cá nhân đã được xác định là có nguy cơ cao hoặc hầu như đã bị lạm dụng theo như tiêu chuẩn đề cập ở trên. Những dịch vụ bảo vệ người trưởng thành nhìn chung vẫn đang hoạt động tại các vùng đô thị hoặc bán đô thị, mặc dù ngân quỹ cho nó luôn bị đe doạ về mặt tài chính và chính trị. Các dịch vụ như vậy thường là nguồn thông tin về những trường hợp tự bỏ mặc và sự can thiệp tốt nhất đối với những hoàn cảnh lạm dụng tiềm ẩn. Làm việc tại đây là các chuyên gia được cả gia đình và nạn nhân tin tưởng. Họ không chỉ cung cấp các dịch vụ giám hộ và giúp đỡ mà còn có thể kết nối với các dịch vụ xã hội khác giúp làm giảm nhẹ gánh nặng gia đình, tư vấn và giúp đỡ, hoặc cả hai. ở khu vực nông thôn có giải pháp khác: dịch vụ đến nhà chăm sóc. Những cá nhân đã được uỷ quyền như các giáo sĩ, những người tình nguyện hoặc các tổ chức hỗ trợ xã hội – cũng có thể cần được huy động. Bác sĩ gia đình phải là người đóng vai trò chủ đạo trong các dịch vụ đến nhà chăm sóc.

Tại một số bang, tất nhiên không phải là tất cả, những dạng lạm dụng như vậy được báo cho các nhà chức trách, thường là cấp tỉnh, quận, hoặc sở y tế thành phố hay sở dịch vụ xã hội. Nhìn chung, cách tiếp cận có chừng mực như vậy sẽ tăng cường sự động viên cũng như tư vấn cho những người làm công việc chăm sóc, tạo điều kiện cho các dịch vụ hỗ trợ góp phần giảm nhẹ những khó khăn. Nếu người chăm sóc không còn khả năng chăm sóc (bị mất trí hoặc nghiện rượu ), thì cần phải tạm thay đổi ngay chỗ ở, có thể là nhà dưỡng lão hoặc một cơ sở chăm sóc nào đó. Nếu vết thương hoặc sự bỏ mặc ở mức độ nặng thì có thể đưa người bệnh vào điều trị nội trú. Tuy vậy, bước này thường làm gián đoạn quan hệ của người bị lạm dụng hơn là người lạm dụng với cuộc sống gia đình. Tuy vậy nó lại tạo thời gian nghỉ ngơi và tư vấn. Trong một số trường hợp, khi đã có dấu hiệu phạm tội rõ rệt hoặc người chăm sóc bị mất khả năng chăm sóc, thì ngược lại, phải chuyển người lạm dụng đi chỗ khác. Với những người yếu ớt, không có khả năng tự chăm sóc bản thân hoặc tự quyết định thì có thể phải cần đến người bảo vệ.

Ngay cả khi đã xảy ra lạm dụng, người không bị rối loạn nhận thức (thậm chí một số rối loạn cũng không làm mất khả năng ra quyết định) vẫn có thể quyết định ở lại ngay trong hoàn cảnh lạm dụng tiềm ẩn hoặc hiện hữu. Nhiệm vụ của bác sĩ gia đình là phải cung cấp các dịch vụ nhằm giảm thiểu nguy cơ.

PHÒNG NGỪA

Cần phải xác định rõ và tích cực theo dõi những hoàn cảnh có nguy cơ cao. Cũng cần phải duy trì mối liên hệ lâu dài, liên tục trong mạng lưới thực tiễn gia đình, nơi mà bác sĩ gia đình có thể theo dõi người già qua nhiều năm. Những mối liên hệ này cũng cần được mở rộng: bác sĩ cùng tham gia vào quyết định về nơi ở, trong những kế hoạch chuyển chỗ ở hoặc tổ chức lại sinh hoạt gia đình để thuận tiện cho việc chăm sóc. Bằng cách đó, bác sĩ gia đình có thể đảm bảo được rằng gánh nặng không bị áp đặt một cách cố ý lên vai người chăm sóc yếu ớt, là người cũng có các khó khăn của riêng mình. Khi xác định được những vấn để về hành vi và những vấn đề khác có thể dẫn đến bị lạm dụng thì cần phải có các biện pháp giám hộ người có thể trở thành nạn nhân. Những biện pháp như vạy bao gồm chuyên gia tới nhà thăm hỏi, người già định kì tới chỗ bác sĩ để kiểm tra về cân nặng và tình trạng dinh dưỡng. cần phối hợp chặt chẽ giữa việc giám hộ các yếu tố nguy cơ, các dấu hiệu, triệu chứng của lạm dụng người già tới khám sức khoẻ định kì. Cuối cùng, bác sĩ gia đình phải duy trì được tính cởi mở, gần gũi để cho bất kì ai, dù có là hoặc không phải là chuyên gia y tế, tới thăm nhà người bệnh, cũng cảm thấy dễ dàng thông báo lại thái độ hoặc sự nghi ngờ của họ về các yếu tố nguy cơ mà sau đó có thể xác định được. Đó có thể là những người tình nguyện “Bữa ăn lưu động”, những người làm dịch vụ dọn dẹp hoặc cùng chơi. Tiếp cận phòng ngừa lạm dụng người già còn bao gồm cả những gì mà bác sĩ gia đình phải làm để góp phần làm nhẹ gánh nặng trên vai những người chăm sóc gia đình, cải thiện công việc chăm sóc đối với những người già yếu, những người mà chúng ta phải có nghĩa vụ phục vụ.

Bài trướcBạo lực gia đình – Biểu hiện lâm sàng, chẩn đoán và hướng xử trí
Bài tiếp theoStress gia đình và ảnh hưởng kéo dài đến sức khỏe

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.